Thứ 2, 25/11/2024, 15:33[GMT+7]

Đợt nắng nóng từ ngày mai có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận

Thứ 4, 03/05/2023 | 12:20:41
3,270 lượt xem
Đợt nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ ngày 4-7/5 sẽ có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ ghi nhận được với dự báo nhiều nơi nhiệt cao trên 40 độ C.

Nhiều nơi sẽ có nhiệt cao trên 40 độ C

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nắng nóng sẽ quay trở lại trên diện rộng cả nước từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 5. Vùng đặc biệt nóng là khu vực phía Tây Nghệ An và Hà Tĩnh với nhiệt độ được dự báo sẽ cao hơn 40 độ C.

Do ảnh hưởng của vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 03/5, ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ; từ ngày 04-07/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. Từ ngày 05-06/5 ở phía Đông Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Ở khu vực Nam Bộ từ ngày 03-06/5 có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-65%. Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Sau đợt nắng nóng này, từ ngày 8/5 sẽ có một đợt mưa rào diễn ra trên diện rộng từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh miền Trung. Đợt mưa này ngắn, mưa xối xả nhưng mau tạnh và sẽ làm giảm nhiệt đột ngột. Bà con chú ý sức khỏe của người và gia súc, gia cầm, thủy sản, tránh sốc mưa và sốc nhiệt trong giai đoạn này. Khu vực thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng sẽ có mưa rào trong ngày 8/5. Trước đó mưa dông phát triển cục bộ ở khu vực Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ trong dịp có nắng nóng.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cho biết, nhiệt độ cảnh báo thông thường là nhiệt độ khí tượng (được đo trong lều khí tượng để tránh các yếu tố nhiễu của môi trường). Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn nhiệt độ khí tượng phụ thuộc vào vị trí đo. Đo trong bóng cây, đo trong nhà sẽ thấp hơn và nếu đo ngoài đường bê tông, sân phơi,.. thì nhiệt độ thực tế sẽ cao hơn nhiệt độ khí tượng nhiều.

TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, đợt nắng nóng này có thể phá vỡ kỷ lục cùng thời kỳ trong các năm, nhưng chưa phải là đợt nắng nóng kỷ lục của năm nay. Dựa trên các dấu hiệu của những đợt nắng nóng liên tiếp thời điểm lập hạ có thể dự đoán mùa hè năm nay sẽ rất khắc nghiệt. Trong mùa hè khắc nghiệt này, vẫn sẽ có các cơn mưa rào cục bộ nhưng nó mưa xối xả trong thời gian ngắn ở phạm vi hẹp rồi tạnh. Tổng lượng nước mưa sẽ thấp hơn trung bình chung của nhiều năm và thiếu hụt lượng mưa bù đắp cho các hồ chứa phía Tây gây thiếu nước phát điện và cấp cho nông nghiệp, du lịch.

Nhiều loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn

Thông tin sáng nay (3/5) từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tối 2/5, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra dông lốc làm 2 nhà sập hoàn toàn; nhiều nhà tốc mái và một số hạ tầng điện bị hư hỏng.

Trong những ngày trước đó, mưa đá, dông lốc đã xảy ra tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc khiến tổng số hơn 1.600 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Tại các địa phương cũng ghi nhận ít nhất 2.538ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 1.340 con gia cầm bị chết. 11 trường học bị ảnh hưởng; 40 cột điện gãy đổ cũng đã bị gãy, đổ do ảnh hưởng của mưa lớn, dông lốc…

Nếu như khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa đá, dông lốc thì tại các tỉnh thành phía Nam, xâm nhập mặn đang ngày một phức tạp. Sáng nay (3/5), khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km. Trong khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.

Cơ quan chức năng nhận định: Từ nay đến ngày 10/5, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào giữa tuần sau đó giảm, độ mặn phổ biến tại các trạm lớn hơn so với độ mặn cao nhất tháng 4/2022; riêng một số trạm tại Long An, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh có độ mặn nhỏ hơn.

Tại khu vực Tây Nguyên, trong đợt nghỉ lễ vừa qua đã ghi nhận 3 trận động đất, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum). Độ sâu tâm chấn của các trận động đất dao động từ 8,1 - 9,0. Hiện, Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của các trận động đất này.

Đáng chú ý, trong thông tin nhanh phát đi sáng nay (3/5), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhận định, ngày 3/5, ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Tây khu vực Bắc Trung Bộ có nắng nóng cục bộ; từ ngày 4-7/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ. Người dân cần có các phương án bảo vệ sức khỏe, tránh tình trạng mất nước, kiệt sức do nắng nóng.

Theo Sức khoẻ và Đời sống

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày