Thứ 6, 22/11/2024, 16:44[GMT+7]

Chủ động ứng phó với bão số 1

Chủ nhật, 16/07/2023 | 20:34:29
6,413 lượt xem
Theo thông tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 1 (có tên quốc tế là TALIM ) ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 560km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 13. Trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình cắt tỉa cây trước mùa mưa bão.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.008 phương tiện với 2.894 lao động đang làm ăn trên biển. Trong đó, có 14 phương tiện với 104 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 52 phương tiện với 235 lao động hoạt động ven biển Thái Bình; 915 phương tiện với 2.444 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 27 phương tiện với 111 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 1.159 chòi ngao với 1.193 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.150 đầm với 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà. Toàn tỉnh có 692 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà chiếm nhiều nhất với 287 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 220 lồng…

Về sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 16/7 trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích lúa mùa đã gieo cấy 68.302 ha đạt 90% kế hoạch đề ra; cây màu hè đã thu hoạch 8.570 ha chiếm 79% diện tích cây màu hè đã trồng...

Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 1, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 01 hồi 17 giờ 30 phút ngày 14/7 và Công điện khẩn số 02 hồi 16 giờ 30 phút ngày 15/7, trong đó yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để tìm nơi tránh, trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Công trình cống xả qua đê tại Km192+270 đê tả Hồng Hà II, thuộc địa phận xã Minh Tân (Kiến Xương) được đưa vào sử dụng trước mùa mưa, bão năm 2023, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão.

Tăng cường công tác kiểm tra công trình đê điều, đặc biệt là các công trình trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24h theo dõi mực nước, chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống qua các cống dưới đê; kiểm tra hoạt động các trạm bơm để sẵn sàng kích hoạt tiêu nước cho lúa mới cấy, hoa màu và các khu vực trũng, thấp.

UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo đôn đốc, thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chằng chống các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển...; sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày