Thứ 2, 25/11/2024, 03:46[GMT+7]

Chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ cao ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất

Thứ 7, 05/08/2023 | 20:55:54
1,330 lượt xem
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc, các Bộ, ngành kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt sâu. (Ảnh minh họa: B.T)

Ngày 5/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện số 08/CĐ-QG gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh miền núi phía Bắc; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo Công điện, trong 7 ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150-250mm, một số trạm mưa lớn hơn như Thông Nguyên (Hà Giang) 272mm; Bắc Hà (Lào Cai) 314mm; Điện Biên (Điện Biên) 344mm. Mưa lớn đã gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ làm 2 người chết, sạt lở 67 vị trí giao thông, thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến ngày 8/8, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-220mm, có nơi trên 300mm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, các Bộ, ngành chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Đáng chú ý, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường đưa tin về tình hình mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các thông tin về diễn biến của mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đến người dân và các cấp chính quyền, để chủ động phòng tránh.

Ngoài ra, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng

Ngày 5/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai có công văn số 296/VPTT gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo đó, trong 7 ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150-250mm và mực nước các hồ thủy điện có xu hướng gia tăng nhanh. Vào hồi 9h00 ngày 5/8/2023 mực nước hồ Sơn La còn thấp hơn 1,1m, hồ Hòa Bình thấp hơn 1,68m, Tuyên Quang 3,09m so với mực nước cao nhất trước lũ trong thời kỳ lũ chính vụ.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến ngày 8/8, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-220mm, có nơi trên 300mm.

Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn nước, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các chủ hồ chứa chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du; triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Mưa lũ gây thiệt hại tại nhiều địa phương

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Hoà Bình, Hà Nội, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, ảnh hưởng của mưa lũ xảy ra từ ngày 3-4/8 đã làm 1 người mất tích (tạm trú tại tỉnh Đắk Nông). Hiện địa phương đang nỗ lực tìm kiếm nhưng chưa thấy.               

Về nhà ở, 19 nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng (Điện Biên 17; Lâm Đồng 2). Về nông nghiệp: 209,67 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (Điện Biên 40,67ha; Đắk Nông 33,2ha; Gia Lai 87,8ha; Lâm Đồng 47ha). Về thuỷ sản: 40,6ha ao hồ bị tràn, vỡ (Điện Biên 0,25ha, Đắk Nông 40,35ha). Về giao thông, sạt lở 7.160m3 đất, đá đường giao thông nông thôn (Điện Biên 7.060m3, Hoà Bình 100m3); 80m đường giao thông bị sạt lở, ngập cục bộ (Hà Nội). Trong ngày, TP. Hà Nội và tỉnh Hoà Bình đã khắc phục và thông xe.

Về thuỷ lợi: 2 công trình kênh mương bị sạt lở, hư hỏng (Điện Biên). Ngoài ra, 1 cầu dân sinh bị cuốn trôi (Lâm Đồng); 2 cống thoát nước bị hư hỏng, cuốn trôi (Điện Biên 1; Gia Lai 2).

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống tiên tai, ngày và đêm 5/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 120mm. Khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Ngày và đêm 6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; những nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Ngoài ra, ngày và đêm 5/8, khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m. Khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, riêng vịnh Bắc Bộ 1,5-3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: Cấp 2./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày