Chủ nhật, 24/11/2024, 18:00[GMT+7]

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở khu vực miền Trung

Thứ 5, 16/11/2023 | 08:21:34
9,390 lượt xem
Những ngày qua, tình hình mưa lũ nghiêm trọng đã và đang gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương khu vực miền Trung.

Nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế ngập sâu.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến chiều tối 15/11, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa to đến rất to đã làm lũ trên các sông Hương, sông Bồ vượt mức báo động 3, gây ngập lụt nhiều khu vực. Các tuyến đường lớn như: Trường Chinh, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hải Triều, Bến Nghé... (thành phố Huế) bị ngập sâu, nhiều nơi ngập hơn 1m.

Mưa lớn làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hiền Sỹ - Văn Xá, Văn Xá - Huế, Truồi- Hương Thủy…, có đoạn ngập sâu trên mặt ray 0,5m.

Mưa lớn trên địa bàn xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng làm sạt lở đất từ một quả đồi xuống nhà một hộ dân, khiến hai vợ chồng bị mắc kẹt bên trong. May mắn, sự việc được phát hiện sớm, lực lượng chức năng địa phương và người dân xung quanh đã giải cứu các nạn nhân kịp thời. Mưa lũ cũng làm 6 thôn bản bị chia cắt tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình).

Tính đến sáng 16/11, lượng mưa đo được ở thượng nguồn các con sông đã giảm đáng kể tại Thừa Thiên Huế. Cụ thể, theo các con số đo đạc được công bố, từ 0h - 3h ngày 16/11, mực nước sông Hương và sông Bồ đã giảm từ 20cm - 30cm, xuống mức 3m49 và 4m63, trên mức báo động 3 khoảng trên 50cm. Tuy nhiên, dự báo trong ngày hôm nay vẫn sẽ có mưa to trên địa bàn, nhiều khu vực còn bị ngập sâu, hầu hết các tuyến tỉnh lộ vẫn bị chia cắt. Trong ngày 16/11 và ngày 17/11, học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được nghỉ học để đảm bảo an toàn khi nước lũ vẫn còn cao.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn liên tục với lượng mưa phổ biến từ 100-230mm, trong đó khu vực huyện Hải Lăng, lượng mưa trong ngày lến đến 400mm, một số sông đã lên mức báo động 3, gây ngập lụt nhiều nơi. Huyện Hải Lăng đã phải tiến hành di dời các hộ dân ở vùng trũng đến nơi an toàn.

Với phương châm di dời xen ghép từ vùng thấp lên vùng cao, từ nhà thấp đến nhà cao và di dời tập trung, hiện huyện Hải Lăng có khoảng gần 1.000 hộ dân đã di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh việc di dời, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương cần có phương án, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân trong những ngày di dời.

Huyện Hải Lăng có khoảng 6.000 nhà dân bị chia cắt do ngập lụt và tắc đường giao thông. Nhiều tuyến đường giao thông, kè biển, đê thủy lợi bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 50.000 cây giống lâm nghiệp bị ngập, gần 120ha cây ăn quả bị chìm trong nước, hơn 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Quảng Trị đang tiếp tục triển khai các phương án để ứng phó với mưa lũ.

Nhiều tuyến đường và công trình giao thông tại tỉnh Quảng Ngãi cũng bị hư hỏng do sạt lở sau nhiều ngày mưa lớn. Đã có tình trạng ách tắc và cô lập nhiều khu dân cư. Công tác khắc phục đang được chính quyền và người dân các địa phương khẩn trương triển khai.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở khu vực miền Trung - Ảnh 3.

Tại Km7+650, tuyến ĐT 626 đoạn qua thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà, mưa lớn trong 3 ngày qua đã gây ra tình trạng sạt taluy dương, một lượng bùn đất vùi lấp hoàn toàn mặt đường dài khoảng 100m. Cùng trên tuyến đường này, sạt lở đất cũng đã làm ách tắc ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Theo thống kê, đã có hơn 70 vị trí sạt lở taluy, đất, đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước dọc. Hiện mưa lớn vẫn còn tiếp diễn tại khu vực miền núi nên tình trạng sạt lở đất có thể tiếp tục xảy ra. Bên cạnh công tác khẩn trương khắc phục, chính quyền các địa phương tiếp tục rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời, có những phương án sơ tán người dân nằm trong khu vực nguy cơ, đến nơi an toàn.

Hai ngày nay, miền núi Quảng Nam liên tục có mưa lớn. Để đảm bảo an toàn hồ đập, điều tiết lũ, 5 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Thu Bồn và Vu Gia tăng lưu lượng xả nước. Mục đích đợt xả nước này là tăng dung tích phòng lũ, tạo không gian đón đợt mưa lũ mới sắp tới.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản ở khu vực miền Trung - Ảnh 4.

Từ đêm 15/11, thủy điện Sông Tranh 2 đã vận hành xả nước với lưu lượng 1.000 m3/s. Tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu các hồ thủy điện Sông Bung 2, A Vương, Sông Tranh 2 vận hành đảm bảo mực nước không lớn hơn cao trình mực nước đón lũ.

Trong thời gian các hồ xả nước, 30 phút/lần, các đơn vị vận hành phải theo dõi liên tục mực nước trên các sông. Nếu có dấu hiệu ngập lụt vùng hạ du sẽ yêu cầu dừng ngay việc xả nước.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam sạt lở nhiều đoạn. Mưa lớn, đất đá từ taluy dương tràn xuống đường, thậm chí cây lớn từ trên rừng bị đổ chắn ngang đường, nhiều phương tiện giao thông bị ùn ứ. Phải mất nhiều giờ, lực lượng chức năng mới thông tuyến tạm thời.

Mưa to trong đêm 14 và sáng 15/11 cùng với lượng nước đổ về từ thượng nguồn khiến vùng trũng, thấp thành phố Hội An (Quảng Nam) bị ngập sâu trong nước.

Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa to và giông khiến tuyến đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn thành phố Cam Ranh bị ngập sâu từ 0,5 - 0,8 m. Mưa lớn khiến một số khu vực như: phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải và các xã Phước Đồng, Vĩnh Thạnh (thành phố Nha Trang) bị ngập cục bộ...

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày