Chủ nhật, 24/11/2024, 10:36[GMT+7]

Kiến Xương: Tích cực xử lý vi phạm về đê điều

Thứ 3, 11/06/2024 | 08:49:22
2,518 lượt xem
Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi làm lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng diễn ra tràn lan nhiều năm qua ở huyện Kiến Xương, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của các tuyến đê, gây ách tắc, thu hẹp dòng chảy, khó khăn cho việc tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt bão. Địa phương đã tích cực vào cuộc xử lý, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn.

Khu vực trạm trộn bê tông và kho chứa đồ của hộ ông Phạm Văn Tiếp, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương).

Vi phạm nhiều, khó giải quyết

Ông Lương Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Trên địa bàn huyện đa dạng các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Tính từ năm 2007 đến nay có gần 200 vụ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, công trình thủy lợi như xây lán, tường, cổng dậu, làm đường điện, công trình chăn nuôi, làm đường, cải tạo công trình... Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý song vẫn không thể giải quyết dứt điểm bởi các hộ dân sinh sống ở triền đê từ nhiều năm, nhiều hộ có nhà nhưng không có người ở, nhiều nhà đã được cấp sổ đỏ, nhiều hộ có bến bãi tập kết, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... Do đó liên tục có những vụ vi phạm mới, trong khi chưa giải quyết được những vụ vi phạm cũ dẫn tới tồn đọng nhiều vụ việc. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, xử lý phát sinh nhiều bất cập.

Xã Quốc Tuấn là một trong những địa phương có số vụ vi phạm nhiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã phân trần: Từ năm 2018 đến nay, toàn xã có khoảng 20 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê, trong đó chủ yếu là sửa chữa, cơi nới công trình cũ và xây thêm các hạng mục mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cái khó của địa phương là có 2,6km đê đều có dân ở từ ngày xa xưa với khoảng trên 100 hộ và có các bến bãi hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng nên rất khó xử lý các vụ vi phạm. 

Điển hình như hộ ông Phạm Văn Tiếp trong quá trình sản xuất đã phát triển từ trộn bê tông thủ công lên trạm trộn bê tông, xây kho chứa đồ, xây nhà tạm và công trình phụ trên đất ngoài bãi phía sông tương ứng k39+300 đến k39+450 - đê hữu Trà Lý; hộ ông Phạm Văn Ánh hoạt động bến bãi tập kết, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình trên đất ngoài bãi sông tương ứng k39+200 - đê hữu Trà Lý. Đã nhiều lần chính quyền xã cùng các cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu các chủ hộ tự thu dỡ, giải tỏa toàn bộ các hoạt động trái phép trả lại hiện trạng ban đầu song vẫn chưa thực hiện được triệt để. Ngoài ra cũng có những trường hợp xã thật sự trăn trở, băn khoăn, chưa có hướng giải quyết. Điển hình như nhà cụ Phan Thị Cách từ thời cha ông của cụ đã sống ở triền đê nhưng vừa qua chúng tôi cũng phải đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình tháo dỡ lán sân mới làm do công trình cũ đã xuống cấp. 

Ông Vũ Bá Nho, con trai cụ Phan Thị Cách cho biết: Mẹ tôi đã 98 tuổi, sinh sống ở mảnh đất này đã ngần ấy năm và là mẹ liệt sĩ, ngôi nhà mẹ ở từ thời Pháp thuộc và sau này cũng được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng đẻ xây mới. Hiện nay sức khỏe mẹ đã yếu, tôi sống ở Hà Nội nhưng phải về quê để chăm mẹ già. Từ ngày trước ngôi nhà này vẫn có mái tôn ở sân để che mưa, che nắng nhưng lâu ngày bị mọt hỏng nên mẹ tôi đã làm lại lán mới. Trong quá trình làm, cơ quan chức năng có đến tuyên truyền, vận động tháo dỡ song tôi vẫn mong muốn nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền để giữ lại lán sân cho mẹ.

Các hộ dân xã Bình Định (Kiến Xương) đồng loạt tự nguyện phá dỡ công trình lấn chiếm trước đây.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía  

Để xử lý các vi phạm cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân. Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Tuyến đê 223 (Hồng Hà 2) là tuyến đường huyết mạch của xã có chiều dài gần 5km, trên tuyến có hơn 3km là đường đê qua khu dân cư có các gia đình ở từ hàng chục năm nay nên việc tự ý xây dựng các công trình như lán tôn, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang bảo vệ đê là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Công văn số 454 của UBND tỉnh, đến ngày 28/5 đã có 155/157 hộ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng theo đúng chủ trương đề ra. Kết quả trên không chỉ khẳng định được uy tín, vai trò  của chính quyền địa phương mà còn cho thấy truyền thống tốt đẹp của người dân Bình Định trong việc đồng thuận với chủ trương của cấp trên.

Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Hưng Đạo là hộ có diện tích giải tỏa lớn nhất xã bày tỏ: Nhà tôi có tổng diện tích 360m2, mặt tiền dài 17m nên tận dụng thế mạnh này hơn 20 năm qua tôi đã mở cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh. Để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, trước đây tôi đã lợp mái tôn, làm cửa cuốn với số vốn trên 200 triệu đồng để bày bán hàng hóa. Tuy nhiên, ngay sau khi dự hội nghị đối thoại với đồng chí Chủ tịch UBND xã, tôi đã tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình không nằm trong phạm vi đất của mình, thuê thợ về làm liên tục hơn 10 ngày để trả lại hành lang tính từ tim đường ra mỗi bên 10m theo quy định. Chỉ tính việc tháo dỡ, đầu tư mới và tiền công cũng mất hơn 100 triệu đồng, song vì nhiệm vụ chung của xã tôi vẫn sẵn lòng thực hiện.

Ông Lương Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương thông tin thêm: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, 2 tổ giúp việc ban chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2023. Yêu cầu các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Qua kiểm tra, các địa phương đã vào cuộc thực hiện quyết liệt nên đa số người dân đã có ý thức tự thu dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những vụ vi phạm lớn chưa thực hiện được như mong muốn, nhất là liên quan đến hoạt động của các bến bãi, chăn nuôi trang trại...

Thời gian tới, huyện Kiến Xương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để các chủ hộ vi phạm tự nguyện thu dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu; ngăn chặn các vi phạm mới phát sinh, không để vi phạm tăng lên về quy mô, diện tích gây khó khăn cho quá trình xử lý. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các xã, thị trấn trong việc xử lý các vụ vi phạm, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định.

Khu vực bến bãi hoạt động sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Quốc Tuấn.


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày