Thứ 3, 03/09/2024, 20:20[GMT+7]

Chủ động ứng phó với bão số 3

Thứ 3, 03/09/2024 | 16:59:51
578 lượt xem
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay (3/9) bão Yagi đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Hồi 13 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15km/h.

Vị trí và đường đi của cơn bão.

Xác định bão số 3 là cơn bão có diễn biến rất phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, do đó để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công văn số 82/BCH-PCTT, ngày 2/9/2024 và Công điện khẩn số 10/CĐ-PCTT hồi 14 giờ ngày 3/9/2024; trong đó, yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình chủ động tiêu hạ thấp tối đa mực nước trong hệ thống; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp khơi thông dòng chảy, điều tiết nước mặt ruộng hợp lý bảo đảm sinh trưởng và công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa; Triển khai chằng chống, bảo đảm an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven biển, đặc biệt chú trọng các lồng bè ở khu vực cửa sông lớn.

Rà soát, chủ động thực hiện các phương án sắp xếp tàu thuyền, di dời lao động nuôi trồng thủy, hải sản, ngư dân trên các phương tiện neo đậu; người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, nhà yếu; chủ động cắt tỉa cành cây lớn, bảo đảm an toàn. Kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu trên các tuyến đê, đặc biệt là đê cửa sông, đê biển. Phát hiện công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Nguyễn Thơi