Thứ 7, 23/11/2024, 11:22[GMT+7]

Ứng phó với bão số 3 - tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Thứ 5, 05/09/2024 | 16:01:22
3,546 lượt xem
Bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão rất mạnh, có diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động ứng phó với bão số 3, tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Cán bộ, nhân viên Hạt Quản lý đê huyện Tiền Hải kiểm tra kho vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Cơn bão mạnh nhất trong 10 năm đi vào vịnh Bắc Bộ

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình cho biết: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 có thể được coi là cơn bão mạnh nhất đi vào vịnh Bắc Bộ trong 10 năm trở lại đây và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình. Cường độ hiện nay của bão trên Biển Đông đã đạt cấp siêu bão (cấp 16). Khi đổ bộ lên đất liền, bão vẫn có cường độ rất mạnh, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14 (tương đương với bão số 1 năm 2016). Các đài khí tượng quốc tế đều có chung nhận định với cơ quan khí tượng Việt Nam về quỹ đạo và cường độ của bão. 

Về diễn biến bão, khoảng đêm 6/9, bão sẽ đi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ với cường độ gió cấp 12 - 13, giật cấp 15; sáng ngày 7/9 sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Vùng ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12 - 13. Từ ngày 6 - 9/9 sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh, thành phố được dự báo chịu tác động mạnh nhất của bão. Gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9 - 11, giật cấp 13; mưa lớn gây ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị ở các tỉnh đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi Bắc Bộ.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 sáng ngày 5/9, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh nhấn mạnh: Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tại Công văn số 82/BCH-PCTT, ngày 2/9/2024 và Công điện khẩn số 10/CĐ-PCTT hồi 14 giờ ngày 3/9/2024; Công điện số 06/CĐ-UBND hồi 14 giờ ngày 4/9/2024 của UBND tỉnh; Công điện khẩn số 16-CĐ/TU, ngày 4/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, thông tin tình hình, diễn biến và cấp độ của bão ở từng thời điểm; cập nhật các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và công tác phòng, chống bão ở các địa phương. Chủ động liên lạc, tuyên truyền, vận động ngư dân, lao động làm ăn trên biển, nhất là lao động trên các tàu, thuyền đang hoạt động ngoài tỉnh, các hộ gia đình sinh sống tại vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân. Cùng với đó, các ngành tích cực vào cuộc, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động kiểm tra, đôn đốc, có phương án, kịch bản bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu; an toàn hệ thống đê điều, công trình giao thông, xây dựng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án “4 tại chỗ”.

Công nhân Công ty Cổ phần Green i-Park vận hành trạm bơm chống ngập Mai Diêm. 

Bảo vệ an toàn các trọng điểm xung yếu

Hiện toàn tỉnh có 37 trọng điểm xung yếu, trong đó có 3 trọng điểm xung yếu cấp tỉnh, 34 trọng điểm xung yếu cấp huyện; trong đó có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển. Cống Thoái hay còn gọi là cống Nam Cường tại K16+500 đê biển 5, địa phận xã Nam Cường là trọng điểm xung yếu cấp tỉnh vừa được đầu tư xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng trước mùa mưa, bão năm 2024.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Công trình hoàn thành đáp ứng công tác PCTT, đồng thời ổn định đời sống của người dân, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án. Tuy nhiên, do vị trí đặc thù nằm án ngữ tại khu vực đê biển, sẽ chịu tác động trực tiếp khi bão đổ bộ, do đó Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải chủ động phương án PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Một công trình khác đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu PCTT trước mùa mưa, bão năm 2024 là công trình trạm bơm chống ngập Mai Diêm tại K4+916 đê cửa sông tả Diêm Hộ, huyện Thái Thụy. Công trình do Công ty Cổ phần Green i-Park làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng. Công trình góp phần chủ động tiêu thoát nước cho khu công nghiệp Liên Hà Thái và khu dân cư hiện có. Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết: Ngay sau chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Công ty đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của công ty để triển khai các nội dung, nhiệm vụ cụ thể; trong đó, chủ động bảo đảm an toàn hệ thống công trình cũng như sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3. Chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho lực lượng thường trực làm công tác PCTT tại công ty và vận hành chạy thử trạm bơm chống ngập Mai Diêm theo quy định… Qua đó sẵn sàng cùng với chính quyền địa phương ứng phó với các tình huống xảy ra.

Công trình trạm bơm chống ngập Mai Diêm vừa được hoàn thành, đáp ứng yêu cầu PCTT. 

Mấy năm trở lại đây Thái Bình không có bão mạnh nên tâm lý chủ quan đã xuất hiện trong một bộ phận nhân dân và lực lượng làm công tác PCTT. Do đó, để chủ động ứng phó với bão và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra, việc chủ động các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị cũng như toàn thể nhân dân.

Nguyễn Thơi 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày