Thứ 5, 05/09/2024, 19:17[GMT+7]

Thế nào là siêu bão?

Thứ 5, 05/09/2024 | 16:34:22
198 lượt xem
Siêu bão là cơn bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 trở lên với sức phá hoại cực kỳ lớn, sóng biểu cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền có trọng tải lớn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, sáng 5/9, bão số 3 (siêu bão Yagi) mạnh lên thành siêu bão (cấp 16). Bão sẽ tiến nhanh vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta từ chiều 7/9. Nhiều người thắc mắc siêu bão là gì, có sức tàn phá khủng khiếp thế nào?

Siêu bão là gì?

Quyết định số 18/2021 của Thủ tướng quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai nêu rõ: "Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão".

Đồng thời, theo Phụ lục III Bảng cấp gió và cấp sóng ban hành kèm theo Quyết định 18/2021 của Thủ tướng:

Thế nào là siêu bão? - 1

Như vậy, siêu bão là bão có sức gió mạnh từ cấp 16 (184-201km/h) trở lên với sức phá hoại cực kỳ lớn, sóng biển cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn.

Cấu trúc của siêu bão

Bão và siêu bão có cùng cấu trúc hình thành, tuy nhiên khác nhau ở mức độ, tầm ảnh hưởng và sức gió. Bão hay siêu bão sẽ gồm các thành phần:

- Mắt bão: điểm nằm chính giữa cơn bão. Siêu bão thường có mắt bão có đường kính 30 - 60km. Đây sẽ là vùng lặng gió và quang mây. 

- Thành mắt bão: sẽ nằm xung quanh mắt bão. Đây là khu vực có gió mạnh nhất trong bão. Thành mắt bão sẽ gồm các đám mây dông phát triển lên rất cao và có mức độ cực kỳ nguy hiểm.

- Các dải mưa ở rìa ngoài: sẽ hình thành các dải mây dông dày đặc có độ rộng khoảng vài km tới vài chục km, dài khoảng 80 - 500km. Các dải mây dông sẽ nằm cách tâm bão hàng trăm km và chuyển động xoắn chậm theo chiều ngược kim đồng hồ.

Từ đó, theo ước tính, đường kính trung bình của một cơn bão sẽ rơi vào khoảng 300 - 500 km. Tuy nhiên, không phải lúc nào kích thước của bão có biểu hiện cho cường độ bão. Đặc biệt cơn bão còn có thể biến đổi đáng kể tùy thuộc vào môi trường xung quanh.

Ảnh mây vệ tinh siêu bão số 3 (Yagi) lúc 10h ngày 5/9. (Ảnh: NCHMF)

Ảnh mây vệ tinh siêu bão số 3 (Yagi) lúc 10h ngày 5/9. (Ảnh: NCHMF)

Cấp độ rủi ro thiên tai của siêu bão

Tại Điều 42 Quyết định 18/2021 quy định về cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão như sau:

Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ;

- Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

- Dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ;

- Dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa).

Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp sau:

- Dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ;

- Dự báo bão rất mạnh cấp 14, cấp 15 hoạt động trên đất liền các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ;

- Dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Như vậy, nếu siêu bão hoạt động trên vùng Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa) thì cấp độ rủi ro thiên tai của siêu bão là cấp độ 4; nếu siêu bão hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ thì cấp độ rủi ro thiên tai của siêu bão là cấp độ 5.

Theo nhandan.vn