Thứ 6, 22/11/2024, 03:54[GMT+7]

Căng mình chống lũ

Thứ 5, 12/09/2024 | 09:45:47
24,080 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, để ứng phó kịp thời, hiệu quả, tỉnh Thái Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, tài sản của nhà nước.

Lực lượng chức năng và người dân xã Bách Thuận (Vũ Thư) gia cố điểm xung yếu khu vực cống Tân Đệ

Huy động tối đa lực lượng ứng trực “4 tại chỗ” 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: Đã rất nhiều năm tỉnh Thái Bình mới phải trải qua đợt lũ lịch sử như năm nay. Lường trước những hiểm họa nếu xảy ra sự cố về đê, thực hiện các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức tuần tra, canh gác ngày đêm theo quy định tại các triền đê. Đồng thời, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”; khẩn trương thực hiện bảo vệ an toàn dân sinh sống ở vùng bờ bao, đê bối. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến ngày 11/9, toàn tỉnh đã huy động 3.250 người thuộc lực lượng canh coi cừ sách; gần 200 người thuộc lực lượng quản lý đê nhân dân. Đồng thời, sẵn sàng huy động khoảng 25.000 người thuộc lực lượng xung kích tại các xã, phường; trong đó, trước mắt ưu tiên sử dụng lực lượng tại chỗ của các xã, phường duyên giang. 

Ông Vũ Duy Thuận, Trưởng thôn Tân Đệ, xã Tân Lập (Vũ Thư) cho biết: Trước tình hình khẩn cấp theo lệnh báo động lũ cấp III, bên cạnh việc bố trí lực lượng thường trực làm công tác canh coi, bảo vệ đê theo quy định ngày 6 người, đêm 12 người, chúng tôi cùng các lực lượng phối hợp hỗ trợ di chuyển một số gia đình vào trong đê để bảo đảm an toàn. 

Ngoài ra, thực hiện lệnh báo động cấp III, lực lượng vũ trang toàn tỉnh huy động 100% quân số ứng trực, sẵn sàng các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra. 

Đại tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong sáng ngày 11/9, Công an tỉnh đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ xuống những khu vực xung yếu của các xã Vũ Vân, Hồng Lý (Vũ Thư), phối hợp với các lực lượng tại địa phương ứng cứu, hộ đê và di dời người, tài sản ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn. 

Sẵn sàng di dời, bảo đảm an toàn tính mạng người dân 

Huyện Vũ Thư có 58km đê quốc gia (sông Hồng và sông Trà Lý), trên 41km đê bối, 23 kè, 31 cống dưới đê; trong đó có 6 trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Sáng ngày 11/9, mực nước sông Hồng, sông Trà Lý đoạn qua địa phận huyện tiếp tục lên cao, diễn biến phức tạp, uy hiếp an toàn một số vùng bối và trọng điểm xung yếu đê chính của huyện. 

Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã khẩn trương di dân ở những vùng bờ bao, đê bối đến nơi an toàn; đồng thời, huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện gấp rút gia cố chống tràn tại một số tuyến bờ bao, đê bối xung yếu, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa lũ đến sản xuất, sinh hoạt cũng như bảo đảm an toàn hệ thống đê của tỉnh. Đến chiều tối ngày 11/9, Vũ Thư đã di dời khoảng 1.000 hộ dân sinh sống ở vùng bờ bao, đê bối đến nơi an toàn. 

Có mặt trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại một số vùng bối Bách Thuận, Vũ Vân và đê quốc gia tại huyện Vũ Thư chiều ngày 11/9, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phương châm hàng đầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân; trong đó, giữ vững đê quốc gia, tiếp theo tùy từng cấp độ đê để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Trước mắt, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao; phân công lực lượng ứng trực sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, hợp tác và có biện pháp quyết liệt di dời người dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn theo trật tự, nhanh nhất, không để xảy ra hỗn loạn. 

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến 16 giờ ngày 11/9 toàn tỉnh đã tổ chức di dời 1.502 hộ với 4.118 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối vào nơi an toàn. 

Các lực lượng canh gác, tuần tra bảo vệ đê làm nhiệm vụ theo báo động lũ cấp III tại tuyến đê hữu Trà Lý.

Không chủ quan, lơ là nhưng tránh tâm lý hoang mang 

Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại các buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, lũ trong 2 ngày 10 - 11/9. 

Bên cạnh việc yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhấn mạnh vai trò của lực lượng làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ đê. Cần bảo đảm quân số thường trực theo quy định, nghiêm cấm các lực lượng bỏ vị trí và triển khai ngay các lực lượng sở chỉ huy tiền phương đã thành lập; thường xuyên kiểm tra các tuyến, đoạn phụ trách, kịp thời phát hiện, theo dõi và xử lý các mối nguy cơ, ẩn họa, diễn biến có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Đến ngày 11/9, 8/8 huyện, thành phố đã thành lập 18 sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê; tổ chức tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động cấp III tại 207 điếm, thả phai dự phòng được 60 cống dưới đê và cắm 680 tre vè theo dõi 15 kè xung yếu. 

Trước những thông tin trên mạng xã hội và một bộ phận người dân về vỡ một số tuyến đê trên địa bàn tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh khẳng định: Các thông tin trên là không chính xác. Theo đó, tính đến 20 giờ ngày 11/9, hệ thống đê toàn tỉnh và các tuyến đê chính trên địa bàn tỉnh vẫn bảo đảm an toàn. 

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình cho biết: Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đã đạt đỉnh vào chiều tối ngày 11/9. Ngoài ra, thủy điện Hòa Bình đã đóng toàn bộ cửa xả lũ sáng ngày 11/9 kết hợp với việc tiêu thoát nước cửa biển qua hệ thống cống Lân và Trà Linh đang rất tốt. Do đó, trong ngày 12/9, dự báo mực nước lũ trên các sông sẽ xuống dần. 

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết, trong 2 ngày 10 - 11/9 có một số diện tích bờ bao, đê bối có người dân sinh sống, sản xuất nằm trong hành lang thoát lũ có hiện tượng nước tràn qua đê (tại các điểm cao trình đê thấp), gây ngập lụt một số khu vực dân cư và vùng sản xuất nằm phía trong bờ bao, đê bối nhưng ở phía ngoài đê quốc gia. Các địa phương đã ngay lập tức huy động nhân lực, vật tư, phương tiện xử lý gia cố, chống tràn. Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trong trường hợp báo động lũ cấp II hoặc III, đối với những khu vực bờ bao, đê bối này, các địa phương đã chủ động kiểm tra, rà soát, xét thấy không an toàn sẽ chủ động di dời người và tài sản vào trong đê chính để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân. 

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng khuyến cáo người dân kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin liên quan đến mưa, lũ; cần tin tưởng và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Ngoài ra, trước những thông tin chưa được kiểm chứng, người dân cần xác minh, không lan truyền, gây hoang mang dư luận.

Một số điểm trũng thấp tại bờ bao, đê bối của huyện Vũ Thư bị tràn, được gia cố kịp thời.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày