Chủ nhật, 24/11/2024, 07:23[GMT+7]

Chung sức đồng lòng khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ 3, 17/09/2024 | 10:59:45
798 lượt xem
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thái Bình đã và đang phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm khắc phục hậu quả thiên tai. đã và đang phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm khắc phục hậu quả thiên tai.

Các lực lượng tham gia gia cố tuyến đê bối xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ). Ảnh chụp ngày 12/9

Sau siêu bão là đỉnh lũ lịch sử 

Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển. Hoàn lưu bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Mưa lớn kéo dài cùng với các hồ thủy điện ở thượng nguồn liên tục xả lũ, mực nước sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc và sông Trà Lý đều dâng cao, vượt báo động III, liên tiếp ghi nhận những kỷ lục. Đặc biệt, mực nước sông Trà Lý tại thành phố Thái Bình 15 giờ ngày 12/9 đạt 4,25m (cao hơn báo động III 0,75m; vượt qua đỉnh lũ lịch sử ghi nhận năm 1971 ở mức 4,21m). 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tôi chưa bao giờ gặp tình huống thiên tai phức tạp, nguy hiểm như đợt mưa, bão, lũ từ ngày 7-14/9 vừa qua. Do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, công tác chủ động ứng phó được tỉnh triển khai ngay từ sớm đến các cấp, ngành, địa phương và sự đồng thuận, chấp hành nghiêm của nhân dân nên giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão, lũ gây ra; đặc biệt, rất mừng là tỉnh Thái Bình chưa ghi nhận thiệt hại về người. 

Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, mực nước các sông liên tục dâng cao, duy trì trên báo động III trong thời gian dài, rất nhiều vùng duyên giang tại các địa phương đã xuất hiện tình trạng nước tràn qua đê bối, bờ bao, gây ngập úng diện rộng, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. 

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong các ngày từ 11 - 13/9, cùng với việc tràn đê tại một số bờ bao, đê bối thì tại các tuyến đê chính, đê quốc gia trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hơn các sự cố, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê. Đơn vị đã trực tiếp về cơ sở, xử lý rất nhiều sự cố chống tràn và rò rỉ, thẩm lậu, giếng phụt, mạch đùn, mạch sủi... tại nhiều vị trí trên tuyến đê quốc gia của các huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ. 

Huy động sức mạnh toàn dân ứng phó với mưa, lũ 

Để chủ động phòng, chống bão số 3 và ứng phó với mưa, lũ, tỉnh Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt rất sớm; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã ban hành 13 công điện và 12 công văn để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, các địa phương huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia ứng phó với bão, lũ; công tác tuyên truyền được chú trọng nhằm tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong nhân dân. 

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT  và TKCN tỉnh cho biết: Tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp về các địa bàn trọng yếu để kiểm tra, chỉ đạo các cấp chính quyền và người dân triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, phương án chống lũ; các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê; chỉ đạo huy động lực lượng vũ trang sẵn sàng hỗ trợ chính quyền và nhân dân các cấp chống lũ và hộ đê. Theo báo cáo, toàn tỉnh đã huy động 15.000 người tham gia chống bão, khắc phục hậu quả sau bão (trong đó có khoảng 9.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang). Đặc biệt, để ứng phó với lũ, tỉnh đã thành lập 20 sở chỉ huy tiền phương để bám sát diễn biến lũ, phát hiện sớm các sự cố đê điều và xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động hơn 50.000 người tham gia chống lũ, hộ đê. 

Đại tá Hoàng Văn Thanh, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bộ CHQS tỉnh đã huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng thường trực, hơn 7.500 dân quân tự vệ, 372 phương tiện và một số vật chất khác để tham gia giúp đỡ nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với mưa, lũ; bảo đảm đủ phương tiện, thuốc men, nhu yếu phẩm, các thiết bị an toàn... với quyết tâm cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và sự an toàn cho các lực lượng làm nhiệm vụ. 

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hỗ trợ di dời người và tài sản vào nơi an toàn. Ảnh chụp ngày 11/9 

Khẩn trương khắc phục hậu quả 

Nhờ chủ động phòng, chống, sự chung sức đồng lòng ứng phó với thiên tai nên Thái Bình đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến nay toàn bộ hệ thống đê, các cống dưới đê và 37 trọng điểm xung yếu vẫn an toàn tuyệt đối, qua đó bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Tuy nhiên, theo ước tính, tổng thiệt hại do mưa, lũ đến nay khoảng 450 tỷ đồng; trong đó, sản xuất nông nghiệp 350 tỷ đồng, hạ tầng điện 25 tỷ đồng, viễn thông 20 tỷ đồng, nhà xưởng, cây xanh và một số thiệt hại khác khoảng 55 tỷ đồng. 

Ông Trần Đức Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Do ảnh hưởng của lũ, nhiều vùng bờ bao, đê bối của huyện như Vũ Vân, Tân Phong, Việt Hùng... xuất hiện tình trạng tràn đê gây ngập úng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ngay khi xảy ra sự cố, huyện đã chỉ đạo lực lượng xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, huyện tổ chức các đoàn thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần cho người dân vùng bị ảnh hưởng; rà soát, lên phương án bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, nhất là các hộ ở vùng ngoài đê bối sau lũ. Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ. Khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ để học sinh trở lại học bình thường. Đồng thời, chỉ đạo vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để sớm khôi phục hoạt động sản xuất. 

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: Bên cạnh việc quan tâm bảo đảm cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng của bão, lũ, tỉnh đề nghị ngành chức năng cần bảo đảm việc cấp điện, nước sinh hoạt cho người dân; chủ động phối hợp với các lực lượng để thu dọn, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, bảo đảm môi trường sau lũ; tập trung kiểm tra, rà soát, gia cố lại các vị trí bờ bao, đê bối bị vỡ, tràn, các vị trí tuyến đê có sự cố bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Đồng thời, rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại diện tích lúa mùa, hoa màu, thủy sản ở các khu vực bị thiệt hại do lũ để chủ động các biện pháp khắc phục, phục hồi sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão, lũ. 

Bão số 3 đã qua đi, nước lũ trên các sông đã xuống thấp. Hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đang tập trung khắc phục thiệt hại do bão, lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi người dân Thái Bình tiếp tục chung sức đồng lòng khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. 

Các lực lượng hỗ trợ dọn cây đổ sau bão số 3 tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình). 

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày