Thiên tai nhìn lại năm Thìn
“Thủy tặc”... năm Thìn
Theo lịch sử ghi chép lại, trận bão năm Giáp Thìn 1904 xảy ra vào tháng 5 ở miền Nam, trận bão năm Giáp Thìn 1964 xảy ra vào tháng 11 ở miền Trung là những trận bão khủng khiếp mà người dân đất Việt đã từng phải chứng kiến. Năm Giáp Thìn 2024 thêm một lần nữa minh chứng về điều này khi xuất hiện siêu bão Yagi (bão số 3) ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Chia sẻ về thiệt hại do thiên tai từ đầu năm 2024 đến nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 232 trận mưa lớn, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhiều trận dông lốc, động đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển. Đặc biệt, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; trong đó, đợt mưa, lũ sau bão số 3 là đợt mưa, lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình.
Chỉ riêng thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra đã làm 345 người chết và mất tích. Ngoài ra, mưa bão còn gây thiệt hại rất lớn về nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực, thông tin liên lạc, giao thông, y tế, giáo dục; tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 81.700 tỷ đồng. So với tổng thiệt hại do thiên tai năm 2024 là 84.900 tỷ đồng thì thiệt hại do bão số 3 gây ra chiếm tới 96%.
Là người có hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Tôi chưa bao giờ gặp tình huống thiên tai phức tạp, nguy hiểm như đợt mưa, bão, lũ từ ngày 7 - 14/9/2024. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, bão số 3, hoàn lưu bão và trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Tại các địa phương bị ngập lụt sau bão, nhiều tài sản, nhà cửa, hoa màu của nhân dân bị hư hại.
Chung sức đồng lòng vượt qua bão, lũ
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Từ xưa đến nay, vùng đất bằng phẳng được cho là bình yên lại thường xuyên phải đối mặt với bão, lũ. Bởi vậy, cùng với quai đê, lấn biển, người dân Thái Bình bao đời nay luôn có truyền thống trị thủy, huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai, bảo vệ mùa màng và tính mạng con người.
Có thể nói, hoạt động phòng, chống bão lũ ở Thái Bình nói chung, bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão vừa qua nói riêng như bước vào một “trận chiến” không tiếng súng. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân cùng chủ động vào cuộc quyết liệt để chống lại “thủy tặc”. Trong “trận chiến” với bão số 3 và mưa lũ sau bão, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 13 công điện và 12 công văn để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, các địa phương huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia ứng phó với bão, lũ.Công tác tuyên truyền được tăng cường từ tỉnh tới cơ sở nhằm tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong nhân dân. Cùng với ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, toàn tỉnh Thái Bình đã lập 20 sở chỉ huy tiền phương và huy động hơn 50.000 người tham gia chống lũ, hộ đê.
Trực tiếp có mặt chỉ đạo tại các “điểm nóng” về mưa, lũ ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên nhấn mạnh: Ứng phó với bão lũ, tính mạng người dân là trên hết. Cần kiên quyết di dời tất cả người dân ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh lũ lên nhanh, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn phải sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản của người dân.
Tuổi trẻ phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) thu dọn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3.
Nhớ lại những ngày lũ về, dòng sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc đục ngầu, cuồn cuộn chảy xiết. Nước lũ ở các sông lên nhanh từng giờ như những “quả bom nước” có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào khiến ai nấy đều lo lắng. Chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác, nó có thể nuốt trọn làng mạc, nhà cửa và hậu quả không thể đo đếm được. Trong thời điểm nguy cấp đó, việc huy động sức người, sức của theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tuyệt đối các tuyến đê được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mưa lớn kéo dài kết hợp với việc các hồ thủy điện ở thượng nguồn liên tục xả lũ, mực nước sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc và sông Trà Lý đều dâng cao, vượt báo động III, liên tiếp ghi nhận những kỷ lục. Đặc biệt, mực nước sông Trà Lý qua thành phố Thái Bình vào hồi 15 giờ ngày 12/9/2024 đạt 4,25m (cao hơn báo động III 0,75m; vượt qua đỉnh lũ lịch sử ghi nhận năm 1971 ở mức 4,21m). Từ ngày 11 - 13/9/2024, nước tràn đê tại một số bờ bao, đê bối, đặc biệt các tuyến đê chính, đê quốc gia trên địa bàn tỉnh xuất hiện các sự cố, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê. Chúng tôi đã chủ động tham mưu với tỉnh huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê, kịp thời phát hiện những sự cố an toàn đê để xử lý ngay từ giờ đầu. Đối với những vùng bối, bờ bao không có dân sinh sống, sẵn sàng chấp nhận để tràn, qua đó giảm áp lực cho các tuyến đê quốc gia.
Nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) gồng mình thu hoạch diện tích chuối bị đổ, gãy.
Những mầm xanh hồi sinh sau bão, lũ
Những ngày sau mưa bão, “vựa” rau màu ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) hoang tàn, đổ rạp; thành quả “một nắng hai sương” của người nông dân bỗng chốc trắng tay. Vậy mà chỉ sau hơn 3 tháng, mầm xanh lại phủ kín ruộng đồng.
Ông Phạm Văn Hằng, thôn An Phú 2 bộc bạch: Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, diện tích rau màu của xã bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau bão lũ, chúng tôi đã bắt tay làm lại, tập trung sản xuất rau màu vụ đông để cung ứng cho thị trường. Vụ đông năm nay, Quỳnh Hải gieo trồng 350ha rau màu các loại, trong đó khoảng 50% diện tích trồng su hào, gieo trồng trà sớm, cực sớm, luân canh từ 2 - 4 lứa rau.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Để kịp thời động viên nông dân toàn tỉnh tập trung khôi phục sản xuất với phương châm “lấy vụ đông bù vụ mùa”, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất cây trồng vụ đông năm 2024. Toàn tỉnh gieo trồng khoảng 40.000ha cây màu, qua đó tăng giá trị cho ngành trồng trọt, đồng thời giúp người dân nâng cao thu nhập và cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến.
Không chỉ gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, bão số 3 đã khiến hơn 70.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh bị gãy, đổ; ảnh hưởng nặng nề nhất là địa bàn thành phố Thái Bình. Đến nay, hơn 1.700 cây xanh đô thị tại thành phố đã được phục dựng, trồng thay thế.
Ngắm nhìn những mầm xanh sau bão, ông Trịnh Duy Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình chia sẻ: Ngay sau khi bão giảm cường độ, từ chiều tối ngày 7/9/2024, Công ty đã huy động toàn bộ công nhân phối hợp với sự hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể và chính quyền các địa phương... để cắt tỉa, thu dọn cây cối gãy đổ. Những ngày sau bão, trên 400 công nhân, hàng trăm xe chuyên dụng, máy móc, thiết bị đã nỗ lực “làm ngày làm đêm” để mang lại sắc xanh cho thành phố.
Huyện Tiền Hải huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý sự cố sạt lở.
Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra những thiệt hại nặng nề đối với hạ tầng lưới điện, nước sạch, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Bão số 3 làm đổ gãy hơn 1.200 cột điện, 9 trạm biến thế bị hư hỏng và gần 4km dây điện bị đứt... Đặc biệt, sự cố của 4 đường dây 110kV; 115 đường dây trung áp khiến cho hơn 530.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Ngay sau khi bão số 3 đi qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” nhanh chóng tiếp cận hiện trường các điểm sự cố, triển khai các giải pháp xử lý nhằm khôi phục cấp điện sớm nhất. Đến ngày 10/9/2024, ngành điện đã cơ bản khắc phục xong và cấp điện trở lại cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bão, lũ làm hư hỏng trên 600 công trình cấp nước sạch khiến hơn 22.000 hộ dân bị thiếu nước sạch. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đơn vị cấp nước sạch, sau khoảng một tuần, tình trạng thiếu nước đã được khắc phục.
Bão, lũ qua đi, tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 71.326 tỷ đồng, tăng 7,01% so với năm 2023. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm 2023.
Nông dân xã Trung An (Vũ Thư) thu hoạch rau vụ đông.
Khi thiên tai ập đến, trong cơn bão dữ, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” lại được nhân lên gấp bội. Với những nghĩa cử cao đẹp thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình trong mỗi con người Việt Nam.
Bà Đặng Thị Chiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ ngày 10/9 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận hơn 76,6 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Sự ủng hộ này rất thiết thực, phù hợp, kịp thời. Mỗi hành động, mỗi việc làm, mỗi phần quà, mỗi khoản tiền dù ít hay nhiều đều rất trân trọng, đáng quý.
Qua thiên tai càng thêm trân trọng những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong cuộc chiến với bão, lũ. Hình ảnh những mầm xanh vươn lên sau bão, những bàn tay, khối óc đồng sức, đồng lòng khôi phục ruộng đồng, người dân, doanh nghiệp chung tay thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh... cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của mọi tầng lớp trong xã hội đã minh chứng dù thiên tai có thể làm xói mòn đất đai, nhưng không thể làm suy yếu đi sức mạnh tinh thần, khát vọng vươn lên của người dân quê lúa.
Nguyễn Thơi
Tin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê 12.09.2024 | 18:21 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Công điện khẩn số 14 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 10.09.2024 | 08:12 AM
- Công điện khẩn số 11/CĐ-PCTT ngày 5/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 05.09.2024 | 19:05 PM
- Công điện khẩn số 03/CĐ-PCTT, hồi 7 giờ 00' ngày 20/7/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 21.07.2024 | 07:47 AM
- Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT, hồi 17 giờ 00' ngày 31/5/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 31.05.2024 | 22:38 PM
- Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 1) 17.07.2023 | 20:11 PM
- Tin dự báo mưa lớn khu vực tỉnh Thái Bình 14.06.2023 | 10:23 AM
- Tin dự báo nắng nóng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ 03.04.2023 | 14:37 PM
- Dự báo bão năm 2023: Chuyên gia thời tiết nói gì? 23.01.2023 | 12:22 PM
Xem tin theo ngày
- Tổng duyệt lần cuối chương trình lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Đông Hưng
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa xuân năm 2025
- Thông điệp chúc Tết Ất Tỵ 2025 của Chủ tịch nước Lương Cường
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy: Thăm, chúc tết và kiểm tra công tác chuẩn bị đón giao thừa tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại thành phố Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Kiểm tra, chúc tết các cơ quan, đơn vị, địa phương
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình an ninh trật tự, chúc tết một số địa phương, đơn vị
- Thư chúc tết của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
- Đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, tăng tốc bứt phá, vững tin cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới
- Một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, làm việc tại Thái Bình và hoạt động nổi bật của các đồng chí lãnh đạo tỉnh năm 2024