Thứ 6, 02/08/2024, 15:22[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống bão số 3

Thứ 3, 16/09/2014 | 01:55:28
1,190 lượt xem
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ chiều tối ngày 16/9, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13. Để chủ động ứng phó với bão số 3, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Nông dân Quỳnh Phụ khẩn trương thu hoạch lúa mùa trước bão số 3. Ảnh: Trịnh Cường

* Thái Thụy
Đến nay, toàn huyện có 13.936ha lúa đã trỗ bông và 700ha cây màu các loại; 1.427ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê biển, trong đó diện tích nuôi tôm đang ở giai đoạn cuối thu hoạch chiếm 70%, còn lại diện tích nuôi cá vược, cá rô, cá song, cua chưa cho thu hoạch và có 193 chòi trông coi ngao, 460 tàu, thuyền khai thác thủy hải sản.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) huyện thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác PCLB tại các xã. Ra thông báo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; thông báo cho các tàu, thuyền về hướng đi của cơn bão, vào nơi tránh trú an toàn. Tuyên truyền các hộ nuôi ngao chằng chống các chòi trông coi ngao, chủ động phương án di dời người và tài sản vào trong vùng an toàn. Các hộ dân có biện pháp bảo đảm cho các diện tích nuôi thủy, hải sản chưa đến kỳ thu hoạch như căng lưới vây các bờ vùng thấp, điều tiết nước tại vùng nuôi thủy, hải sản. Chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra các đê, kè, cống xung yếu; các xã ven biển rà soát các hộ gia đình sống trong nhà xung yếu và người già, neo đơn ngoài đê để có biện pháp di dời kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Ban Chỉ huy PCLB huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra các công trình trạm bơm, cống đập bảo đảm vận hành tốt cho việc chống úng lúa mùa và cây màu hè thu. Đài Truyền thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, kịp thời về hướng đi của bão để nhân dân có các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ.

* Tiền Hải
Huyện Tiền Hải có 561 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển với 1.494 lao động; tổng số nhà yếu cần di dời là 837 hộ; trên 2.000 người dân cần di dời đến nơi an toàn. Toàn huyện có 2.366ha nuôi ngao, 2.827ha nuôi trồng thủy, hải sản ven biển và 1.500ha lúa mùa đã trỗ bông.

Ngay khi nhận được các công điện của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã ra hai công điện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động PCLB, trong đó tập trung  tuyên truyền, thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; triển khai các phương án PCLB, bảo vệ an toàn các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Để chủ động phòng, chống úng cho cây trồng, Ban Chỉ huy PCLB huyện yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động điều tiết nước, đề phòng mưa lớn gây ngập úng.

Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ trưa ngày 15/9; khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ số tàu, thuyền trên địa bàn, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền  đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh trú bão an toàn, bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, không để người ở lại trên các tàu, thuyền tại nơi neo đậu.

Công nhân Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi Kiến Xương kiểm tra máy móc phục vụ tiêu nước tại Trạm bơm Lịch Bài, xã Vũ Hòa (Kiến Xương). Ảnh: Phạm Hưng

* Kiến Xương
Trên địa bàn huyện có 766 hộ với 2.761 nhân khẩu tập trung tại 3 xã Hồng Tiến, Trà Giang và Bình Thanh đang sinh sống ở khu vực ngoài vùng đê bối cần di dời trước khi bão đổ bộ vào đất liền. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn sẵn sàng phương tiện và nhân lực để tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê bối, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các ngôi nhà yếu đến nơi an toàn.

Tổ chức cắt, tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ. Kiểm tra và triển khai các phương án PCLB, bảo vệ an toàn các công  trình trọng điểm, đê xung yếu. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Khẩn trương đóng các cống tưới, mở các cống tiêu; tiêu triệt để nước nội đồng đề phòng mưa lớn gây ngập úng đối với 11.400ha lúa mùa đang trong thời kỳ trỗ bông, vào mẩy. Thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nông dân xã Trung An (Vũ Thư) tập trung thu hoạch rau màu trước bão số 3. Ảnh: Minh Nguyệt

* Vũ Thư
Đến nay, các trạm bơm chống úng lớn trên địa bàn huyện đã được tu bổ, cải tạo, sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa, bão xảy ra. Các địa phương tích cực giải phóng dòng chảy trên tất cả các sông trục, sông dẫn và hệ thống kênh mương, mặt ruộng, bảo đảm thông thoáng, rút nước từ ngày 13/9. Đối với các công trình đê, kè, huyện đã cơ bản hoàn thành tu bổ các trọng điểm xung yếu như: hoàn thành tu sửa 1,5km đê thuộc địa phận xã Phúc Thành, đắp mở rộng thân đê xã Vũ Đoài, đê xã Đồng Thanh - Xuân Hòa, xử lý kè Ngoại Lãng…

Toàn huyện có 23 tàu vận tải, 72 thuyền hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển được thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động vào nơi tránh trú an toàn. Dự kiến các tàu, thuyền về nơi trú ẩn neo đậu trước 17 giờ ngày 16/9. Huyện cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, tổ chức phương án bảo vệ dân cư sinh sống ven sông, các khu chăn nuôi tập trung, công trình xuống cấp, công trình đang thi công; rà soát các hộ gia đình sống trong nhà yếu và người già, neo đơn để có biện pháp di dời kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

* Thành phố Thái Bình 
Để chủ động phòng, chống bão số 3, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tập trung kiểm tra và thực hiện phương án di dời dân tại các nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà tạm, nhà trọ tư nhân cho học sinh, sinh viên, công nhân thuê, nhà cấp bốn, đặc biệt là các nhà tầng thuộc phường Lê Hồng Phong, phường Quang Trung, khu dân cư ven đê Nhất Thanh (phường Kỳ Bá)… Tất cả các hoạt động di dời đều phải được thực hiện xong trước 9 giờ ngày 16/9 với gần 1.020 người dân đang sống tại khu vực không an toàn.

Cùng với đó, xe tuyên truyền lưu động và Đài Truyền thanh Thành phố, các xã, phường tăng thời lượng, thường xuyên tuyên truyền về diễn biến của bão để nhân dân biết, phòng tránh và có phương án phòng, chống úng bảo vệ lúa mùa. Các địa phương chủ động phòng, chống úng cho các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và các vùng sản xuất. Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Thành phố, các xã, phường, chủ đầu tư thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện và công trình đang thi công.

* Đông Hưng
Đến nay, lúa mùa của huyện đã trỗ trên 80% diện tích; diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch hơn 30% diện tích. Để chủ động ứng phó với bão số 3, UBND huyện yêu cầu các công ty, xí nghiệp thủy nông, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức bơm tiêu nước kịp thời, tổ chức giải tỏa, khơi thông dòng chảy, đóng cống tưới, mở cống tiêu để triệt tiêu nước trên các sông trục, sẵn sàng tiêu nước khi có mưa để bảo vệ sản xuất. Triển khai các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống, bảo vệ các công trình đang thi công như: kè Hoa Nam, đoạn đê các xã Đông Hoàng, Đông Á, Đông Huy, Đông Lĩnh…

Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình, đồng thời có các phương án bảo vệ an toàn cho các đối tượng chính sách, người già cô đơn, sơ tán hơn 60 hộ dân sản xuất, kinh doanh ngoài bãi sông Trà Lý vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Thông qua hệ thống truyền thanh của huyện và xã, liên tục thông báo về diễn biến của bão để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống.

* Quỳnh Phụ
Hiện nay, 11.800ha lúa mùa trong toàn huyện cơ bản trỗ xong, trong đó trà lúa cực sớm và trà sớm là 7.000ha. Đối với cây màu hè thu đã cơ bản thu hoạch xong, chỉ còn lại 20 - 30ha ngô; cây vụ đông ưa ấm trà sớm gieo trồng được 1.500ha.

UBND huyện chỉ đạo các địa phương vận động nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa trà cực sớm (1.500ha) và cây màu hè thu, chằng chống diện tích ớt đã trồng đang trong giai đoạn phân cành, ra hoa. Chuẩn bị sẵn lượng giống rau màu bảo đảm chất lượng để cung ứng cho nông dân kịp thời nếu diện tích cây vụ đông đã gieo trồng bị thiệt hại do mưa, bão gây ra. Triển khai phương án bảo vệ các khu chăn nuôi tập trung và các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven sông Luộc, sông Hóa. Ban Chỉ huy PCLB các cấp, các ngành trong huyện tổ chức thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra.

Sông Tiên Hưng thuộc địa phận xã Thống Nhất (Hưng Hà) được khơi thông, sẵn sàng tiêu úng khi bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Minh Hương

* Hưng Hà
Đến ngày 15/9, Hưng Hà có 5.200ha diện tích lúa mùa đang ở giai đoạn chắc xanh, 5.839ha lúa mùa mới trỗ, 172ha cây dưa, bí đã vào bầu, 970ha cây vụ đông (trong đó ngoài bãi 960ha, trong đồng 10ha) và 110ha cây chuối ngoài bãi. Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã ban hành Công điện số 17 vào hồi 10 giờ ngày 15/9 yêu cầu các địa phương và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện tập trung huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác PCLB.

Theo đó, các địa phương trong huyện tổ chức sơ tán dân đang ở trong những căn nhà không bảo đảm an toàn, người lao động ở vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyển đổi, bãi bồi Tam Tỉnh vào khu vực an toàn; tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi xong trước 9 giờ ngày 16/9. Kiểm tra và triển khai các phương án PCLB, bảo vệ an toàn các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu. Chủ động phương án bơm tiêu úng nhanh và tiêu động lực, có phương án che phủ cây vụ đông đã vào bầu, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động xử lý các tình huống xảy ra.

* Công an tỉnh
Thực hiện chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, PCLB và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chiều ngày 14/9, Công  an tỉnh có Công điện yêu cầu các phòng, ban, công an các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3.

Từ sáng ngày 15/9, các đơn vị trực 100% quân số, khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với bão số 3; lên phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối trụ sở cơ quan, hồ sơ tài liệu, vật tư, trang thiết bị; đưa lực lượng, phương tiện đến từng địa bàn trọng điểm; chủ động triển khai phương án di dời, sơ tán dân, phòng, chống mưa, lũ, lụt do ảnh hưởng của bão; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để có phương án ứng phó kịp thời.  

Theo Đại tá Phạm Văn Minh, Chánh Văn phòng Công an tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát cơ động với trên 60 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đợi lệnh lên đường làm nhiệm vụ tại hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Tăng cường quân số, phương tiện cho lực lượng cảnh sát giao thông, thành lập các đội tuần tra bám trụ trên các cung đường bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau bão. Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường phương tiện, huy động  cán bộ, chiến sĩ tuần tra liên tục trên các tuyến sông, nghiêm cấm các đò ngang hoạt động trước khi bão vào, cấm tàu, thuyền neo đậu tại các cửa sông và khu vực cầu, cống.  Phòng Hậu cần đã bố trí đủ xe chở quân, xe tải, xe bán tải phục vụ công tác di dân, xe cứu thương, xe cứu hộ, xe cẩu. Bố trí đủ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn như áo phao, đèn cứu hộ, đèn pin đặc chủng, máy phát điện, nhà bạt cùng cơ số thuốc và lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu. Công an các huyện, thành phố chủ động triển khai phương án di dời dân tại các khu vực trọng yếu khi có lệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình chuẩn bị vật tư phục vụ phòng, chống bão số 3. Ảnh: Minh Nguyệt

* Công ty Điện lực Thái Bình 
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn Công ty yêu cầu các đơn vị trực 100% quân số, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, máy phát điện và hệ thống chiếu sáng dự phòng, thông tin liên lạc khi bão đổ bộ vào ban đêm.

Điện lực các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra hệ thống cấp điện cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn quản lý, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trước bão phục vụ công tác tuyên truyền, chuẩn bị phòng, chống bão và tiêu úng bảo vệ lúa mùa và rau màu. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCLB các huyện, thành phố xử lý, thu dọn các cây đổ vào đường dây, khắc phục hậu quả sau khi bão tan, bảo vệ tài sản lưới điện. Ban giám đốc và các phòng Kỹ thuật, An toàn trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chủ động phòng, chống bão số 3. Phòng Điều độ và điện lực các huyện, thành phố thực hiện chỉ huy, điều hành lưới điện bảo đảm tuyệt đối an toàn trước, trong và sau bão. Công ty sẽ cắt điện đối với khu vực bị ngập lụt, khu vực có nguy cơ bị ngập lụt để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân khi bão đổ bộ.

* Sở Công Thương
Đến ngày 15/9, Sở Công Thương đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hàng hóa thiết yếu phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống bão số 3 gồm: 20 tấn thép, 25m3 gỗ, 200 tấn xi măng, 200 tấn xăng dầu, 5.000 tấm tôn lợp mái. Sở đã có công văn gửi 3 doanh nghiệp chuẩn bị số lượng vật tư trên là Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Thái Bình, Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Thái Bình, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và chất đốt Thái Bình. Các doanh nghiệp kết hợp tốt giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ dự trữ vật tư hàng hóa phục vụ cho công tác PCLB, đồng thời bảo đảm luân chuyển hàng hóa luôn thông suốt.   

Nhóm Phóng viên

  • Từ khóa