Thứ 4, 24/07/2024, 18:29[GMT+7]

Khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn

Thứ 3, 16/09/2014 | 20:44:36
1,083 lượt xem
Nhìn chung các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm việc tổ chức di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.

Lao động tại các chòi coi ngao đã được sơ tán xong trước 13 giờ ngày 16/9. Ảnh: Phạm Hưng

Chúng tôi có mặt tại xã Nam Thịnh, một trong những địa phương có số dân cần phải di dời cao nhất huyện Tiền Hải, với 949 người, trong đó 98 người sinh sống ngoài đê chính, 824 lao động trên các chòi nuôi ngao, 27 người ở các đầm nuôi thủy sản. Bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tính đến 16 giờ ngày 15/9/2014, địa phương đã tổ chức di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền về nơi neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và trong các nhà xung yếu đến nơi an toàn. Ðồng thời tổ chức tuyên truyền cho người dân khu vực ven đê chằng chống nhà cửa, công trình, bến bãi bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

 

Ông Trần Văn Nhân (thôn Ðồng Lạc), chủ đầm nuôi trồng thủy, hải sản xã Nam Thịnh cho biết: Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về bão số 3, gia đình đã cam kết thực hiện nghiêm túc phương án di dời người và tài sản vào vùng tránh trú an toàn; gia cố lại 1 mẫu nuôi cá vược như căng lưới vây, đắp đập nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải có 1.873 hộ sống ở khu vực chòi canh, lồng bè, nuôi trồng thủy sản. Tính đến 8 giờ 30 phút ngày 16/9 đã sơ tán, di dời được 1.815 người; 837 nhà yếu với 2.046 người đã được các địa phương di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Những trường hợp còn lại tiếp tục tuyên truyền, vận động, phấn đấu đến 14 giờ 30 ngày 16/9 không còn hộ dân, lao động nào ngoài đê biển.

 

Huyện Thái Thụy hiện có 299 lao động đang sinh sống tại 193 chòi trông coi nuôi ngao (trong đó xã Thái Ðô có 111 chòi với 125 lao động, xã Thụy Trường có 20 chòi với 46 lao động, xã Thái Thượng có 62 chòi với 128 lao động). Ngoài ra còn có 1.153 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính cần di dời trước khi bão số 3 đổ bộ.

 

Ngay trong sáng ngày 16/9, công tác tổ chức sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong các nhà tạm, trên các đầm, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản được các xã, thị trấn triển khai quyết liệt. Ðối với số lao động ngoài các chòi coi ngao, đến 9 giờ ngày 16/9 cơ bản đã vào bờ và 774 lao động ngoài đê chính đã tự nguyện di chuyển vào nơi tránh trú an toàn, còn lại 379 lao động tiếp tục được tuyên truyền, vận động di chuyển vào trong đê chính trước 13 giờ ngày 16/9. Ban Chỉ huy PCLB huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đặc biệt quan tâm đến người già neo đơn không nơi nương tựa, người sống trong những nhà không an toàn trong khu vực đê chính. Toàn huyện có 2.170 hộ với 5.633 nhân khẩu thuộc diện di dời. Lực lượng chức năng đã lên phương án di chuyển đến những nơi an toàn như trường học, bệnh viện, trụ sở UBND xã...

 

Tại một số trọng điểm đê, kè, cống xung yếu và công trình đang thi công như đê, kè Thuyền Quan xã Thái Hà; đê, kè xã Thái Phúc; kè Hà My xã Thái Nguyên; cống Thái Phúc; khu neo đậu tàu, thuyền xã Thái Thượng, cầu Trà Giang xã Thái Hà; Nhà máy Nhiệt điện xã Mỹ Lộc, Nhà máy Amon Nitrat xã Thái Thọ... đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

 

Tại thành phố Thái Bình, Ban Chỉ huy PCLB Thành phố chỉ đạo các xã, phường tập trung kiểm tra và thực hiện phương án di dời dân tại các nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà tạm, nhà trọ tư nhân cho học sinh, sinh viên, công nhân thuê, nhà cấp bốn, đặc biệt là các nhà tầng thuộc phường Lê Hồng Phong, phường Quang Trung, khu dân cư ven đê Nhất Thanh (phường Kỳ Bá) với gần 1.020 người dân đang sống tại khu vực không an toàn.

 

Huyện Quỳnh Phụ đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội huyện túc trực tại Quỳnh Lâm, phối hợp với chính quyền xã di dời 17 hộ dân vùng đê bối, yêu cầu hoạt động di dời phải được hoàn thành trước 16 giờ ngày 16/9. Cùng với đó, huyện triển khai phương án bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là các hộ ở vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven sông Lộc, sông Hóa.

 

Ngoài ra, 240 ngư dân nuôi trồng thủy sản trên các sông thuộc huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Vũ Thư và Ðông Hưng đã cơ bản di dời vào trong đê chính an toàn.

 

Nhìn chung các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm việc tổ chức di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh.

 

Nguyễn Trần Trịnh

 

  • Từ khóa