Thứ 2, 29/07/2024, 11:30[GMT+7]

Không chủ quan, lơ là với thiên tai, bão, lũ

Thứ 2, 04/05/2015 | 08:30:52
945 lượt xem
Năm 2015, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó lường. Do đó, các địa phương cần quan tâm, chú trọng, chủ động đối phó với thiên tai, hết sức tránh tình trạng chủ quan, lơ là...

Hệ thống đê, kè, cống cần được bảo đảm an toàn, hoạt động hiệu quả trong mùa mưa bão.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2014 có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Ðông, trong đó có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; trong năm còn có khoảng 170 trận lốc, mưa đá, 30 trận lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, 145 người bị thương, gần 2.000 ngôi nhà bị đổ, sập, trên 42.700 ngôi nhà bị ngập, hư hại, hơn 230.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại... Ðối với Thái Bình, tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 kèm theo mưa to đến rất to, tuy không có thiệt hại về người song mưa to đã gây thiệt hại một số diện tích lúa và hoa màu, nhất là ở hai huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy.

 

Trước đó, để chuẩn bị cho công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) năm 2014, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác đắp đê, làm kè, xây cống bảo đảm khối lượng, chất lượng. Ðiển hình như dự án đầu tư tu bổ đê điều thường xuyên thực hiện được trên 38.800m3 đất, gần 2.800m3 gạch, đá xây, 200m3 bê tông các loại, đạt 100% khối lượng dự toán được duyệt. Hay như việc duy tu, bảo dưỡng tuyến đê biển số 5, huyện Tiền Hải đã thực hiện được 13.700m3 đất và trồng gần 40.500 cây chắn sóng, đạt 100% khối lượng dự toán được duyệt. Cùng với việc củng cố, tu bổ đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của công trình. Ðịnh kỳ kiểm kê, đánh giá số lượng, chất lượng, bảo vệ tốt các loại vật tư dự trữ PCLB của Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành chức năng cùng với các địa phương tiến hành di dời các công trình không phù hợp với quy hoạch đê điều của tỉnh, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm Luật Ðê điều. Các địa phương trong tỉnh cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ PCLB, thành lập lực lượng hộ đê, tổ chức tập huấn, diễn tập công tác hộ đê nhằm đối phó với bão, lũ hiệu quả. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, công tác PCLB trong năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng phục vụ PCLB còn hạn chế, nhất là các khu neo đậu tàu, thuyền chống bão; việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều còn kéo dài, chưa triệt để; tổ chức lực lượng chống bão không đủ số người, chất lượng chưa cao; việc chỉ đạo, đôn đốc của các cấp, các ngành, các địa phương đối với công tác tiêu thoát nước, kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi và những người nuôi trồng thủy hải sản vào bờ tránh trú bão chưa thật sát sao, quyết liệt...

 

Ðể chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ, bão năm 2015; Quyết định số 749/QÐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015. Theo đó, các sở, ngành, địa phương phải xác định phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt cho công tác PCLB, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là. Kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực chủ động phòng tránh thiên tai cho nhân dân. Tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý triệt để những trường hợp vi phạm Luật Ðê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi. Kiên quyết giữ vững đê sông ở mức nước lũ thiết kế, hệ thống đê cửa sông và đê biển bảo đảm chống với bão cấp 10, triều trung bình. Chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, bão mạnh đổ bộ vào và phải có phương án đối phó với trường hợp bất lợi nhất khi lũ, bão trùng hợp. Chủ động phòng tránh và tiêu úng cho cây trồng, vật nuôi ở mức cao nhất. Khi thiên tai xảy ra phải chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, bão, lũ gây ra.

 

Năm 2015:

  • Có khoảng 9 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Ðông, trong đó khoảng 4 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
  • Lượng mưa ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện giông mạnh kèm theo lốc, mưa đá.
  • Khu vực Bắc Bộ có khả năng diễn ra 2 - 3 đợt lũ lớn. Lũ tiểu mãn xuất hiện đúng kỳ và lớn hơn năm 2014, đỉnh lũ sẽ xuất hiện khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8.

(Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Mai Thư
  • Từ khóa