Chủ nhật, 04/08/2024, 21:18[GMT+7]

Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão

Thứ 3, 12/05/2015 | 08:49:37
1,030 lượt xem
Những năm gần đây, thiên tai, lụt bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều để từ đó có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn khi mùa mưa bão đang đến gần.

Nhà xây kiên cố lấn chiếm hành lang bảo vệ đê tả Trà Lý thuộc địa phận xã Ðồng Phú (Ðông Hưng) vi phạm Luật Ðê điều. Ảnh: Minh Đức

 

Hiện nay, toàn tỉnh được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài trên 584km. Các tuyến đê trong tỉnh có 109 kè hộ bờ với trên 100km kè lát mái và 60 kè mỏ. Dưới đê có 219 cống lớn nhỏ làm nhiệm vụ tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đánh giá thực trạng, phân loại trọng điểm xung yếu, toàn tỉnh hiện có 15 trọng điểm ở các tuyến đê. Ðiển hình như trọng điểm đê Hồng Hà I thuộc huyện Hưng Hà quản lý có cao trình đê đủ cao trình thiết kế ứng với mực nước 13,1m tại Hà Nội. Toàn bộ tuyến đê đã được cứng hóa song do các loại phương tiện đi lại nhiều nên mặt đê bị hư hỏng nặng, nền và thân đê có nhiều đoạn xấu, khi có lũ bão xuất hiện nhiều mạch đùn, mạch sủi ở chân đê phía đồng. Toàn tuyến có nhiều kè đã bị hư hỏng như kè Lão Khê, kè lát mái đê bối Trung Hòa, Tân Hà, Hà Xá. Toàn tuyến đê có trọng điểm xung yếu 1 là đê Nhật Tảo, xung yếu 2 gồm đê, kè Lão Khê, đê Hồng An và đê, kè Hà Xá. Cũng như đê Hồng Hà I, tuyến đê Hồng Hà II thuộc hai huyện Kiến Xương và Vũ Thư quản lý có nhiều điểm xung yếu như đê, kè Hướng Ðiền, cống An Ðiện, đê Phú Chử thuộc huyện Vũ Thư; đê Bình Thanh, Minh Tân, cống Dương Liễu, kè Vũ Bình thuộc huyện Kiến Xương. Ngoài các điểm xung yếu kể trên, tại các tuyến đê tả Trà Lý, hữu Trà Lý cũng có nhiều điểm xung yếu cần được chú trọng như đê Hậu Thượng, kè Ðồng Phú (Ðông Hưng); đê Thái Thọ, Mỹ Lộc (Thái Thụy); đê, kè Ngoại Lãng, kè Tân Thành 2 (Vũ Thư); đê, kè Vũ Lăng, Lương Phú (Tiền Hải). Cùng với đó là các tuyến đê biển số 5 (Tiền Hải), số 6, 7 và số 8 (Thái Thụy) còn nhiều đoạn rừng ngập mặn thưa thớt, chưa thực sự phát huy tác dụng nếu xảy ra bão lũ.

 

Hành lang bảo vệ đê thành nơi sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ảnh chụp tại xã Ðồng Phú (Ðông Hưng). Ảnh: Thành Tâm

 

Trước dự báo tình hình mưa bão diễn biến phức tạp trong năm 2015, thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương có đê đã tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình để có phương án hộ đê cho từng tuyến, từng đoạn đê cụ thể. Các địa phương đã tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê, chống lụt. Ông Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tiền Hải là huyện ven biển, hệ thống đê, kè, cống còn nhiều điểm xung yếu. Chính vì vậy, huyện đã chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng chống thiên tai, lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra. Ðối với hệ thống đê, kè, cống, UBND huyện giao UBND các xã ven đê có trách nhiệm tổ chức trông coi công trình thuộc địa phận xã mình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Ðê điều. Ðối với đê, kè, cống có hư hỏng, bị sạt lở, huyện chỉ đạo tổ chức lực lượng tu bổ, khắc phục kịp thời.

 

Cũng như Tiền Hải, Vũ Thư đã sớm xây dựng phương án hộ đê, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Theo ông Ðỗ Năng Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai đến cán bộ và nhân dân, đồng thời tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ và dự phòng kinh phí, sẵn sàng hộ đê khi có sự cố xảy ra. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng, hiện trạng công trình đê, kè, cống trước mùa mưa bão để xác định và xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu. Ngoài ra, hệ thống cống dưới đê bao, đê bối cũng được kiểm tra, tu sửa để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

 

Ðể chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng hộ đê, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án hộ đê toàn tuyến.  Theo đó, năm 2015 phòng chống thiên tai toàn tuyến phía Nam tỉnh gồm các huyện Vũ Thư, Tiền Hải, Kiến Xương và thành phố Thái Bình với 121 xã, phường, thị trấn. Tuyến phía Nam tỉnh có 157,7km đê chính, 91 cống, trong đó trọng điểm chống lũ là huyện Vũ Thư, trọng điểm chống bão là huyện Tiền Hải. Phòng chống thiên tai tuyến phía Bắc gồm các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Ðông Hưng với 165 xã, thị trấn, toàn tuyến có 198,6km đê chính, 55 kè, 102 cống, trong đó trọng điểm chống lũ là huyện Hưng Hà, trọng điểm chống bão là huyện Thái Thụy. Theo phương án hộ đê đã được phê duyệt, tại mỗi trọng điểm xung yếu phải lập một phương án cứu hộ đê để chuẩn bị lực lượng cũng như phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra (mỗi trọng điểm phải chuẩn bị tối thiểu 2.000m3 đất dự trữ, 20.000 bao tải, 1.000 bó rào, cành cây, 1.000 cây tre). Ðặc biệt, đối với đê, kè biển không có cây chắn sóng, đê xa khu dân cư, ngoài chuẩn bị phên liếp, tre cây để nẹp chắn sóng, mỗi ki-lô-mét phải có 500 cây tre và 5.000 bó rào hoặc 5.000m2 vải bạt chống sóng. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh, đến nay, lực lượng vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai của trung ương, của tỉnh và của các địa phương đã được chuẩn bị và tập trung tại các kho vật tư, các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống. Các lực lượng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được tổ chức tập huấn, sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh cũng đã xây dựng bản đồ phương án trọng điểm toàn tuyến theo miền năm 2015 và kế hoạch di dân tránh bão và nước dâng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Mai Thư

 

 

  • Từ khóa