Thứ 2, 12/08/2024, 06:37[GMT+7]

Công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão Cần chủ động và trách nhiệm

Thứ 4, 27/05/2015 | 09:22:34
937 lượt xem
Trước dự báo về diễn biến phức tạp của thiên tai trong năm 2015, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân.

Giờ tập luyện của học viên lớp bơi lặn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải.

 

Là huyện ven biển, hệ thống đê, kè, cống còn nhiều điểm xung yếu, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được Tiền Hải xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Ông Tô Xuân Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, tình trạng làm nhà, hàng quán, đào xẻ đê, khai thác cát, chất tải vật liệu lên đỉnh kè, mái đê và cơ đê, đào lấy đất, làm đầm nuôi trồng thủy sản… vẫn tái diễn. Ðặc biệt là các hộ dân làm nhà, quán trên mái kè, mái đê ở các xã Ðông Minh, Ðông Long, Nam Hồng… gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn đê trong mùa mưa bão. Trước tình hình trên, huyện đã tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm đê điều, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt cho công tác phòng, chống thiên tai, nhất là công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện Dự án khu vực neo đậu tàu thuyền cảng cá Cửa Lân, trồng cây chắn sóng ven biển, rải đá bây mặt đê Vũ Lăng - Tây Lương, đê Nam Hải - Nam Hồng. Cũng theo ông Tô Xuân Thức, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện chủ yếu là lực lượng tại chỗ, nòng cốt ứng cứu là lực lượng Trung đoàn 8, Ðồn Biên phòng Cửa Lân, lực lượng dự bị động viên. Ngoài ra, mỗi xã tổ chức một đội xung kích gồm 150 người, một tổ giao thông hỏa tốc 3 người, một đội cứu thương 10 người và một đội cứu người bị nạn 10 người. Mỗi xã ven đê còn tổ chức một tổ canh coi từ 3 - 5 người và một đội cừ sách 60 người. Huyện cũng chỉ đạo các xã có người dân sản xuất, sinh sống ở ngoài đê phải xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng giúp đỡ người già, trẻ em sơ tán khi có lệnh chuyển dân vào nội đồng trước khi có bão đổ bộ vào đất liền.

 

" Ðể ứng phó với thiên tai trong năm 2015, công tác phòng, chống thiên tai cần được chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ về mọi mặt. Ðặc biệt, cần chủ động trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và di dân; bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác; các đơn vị liên quan cần thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển Thái Bình".

(Ðồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn tỉnh)

 

Cũng như Tiền Hải, huyện biển Thái Thụy đã sớm xây dựng, triển khai kế hoạch công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Toàn huyện có trên 3.200 người cần phải sơ tán, di dời khi thiên tai xảy ra, trong đó đáng chú ý là trên 1.100 lao động hoạt động nuôi trồng thủy sản và trên 600 người dân sinh sống ngoài đê chính. Ðể bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay, Thái Thụy thực hiện phương châm lấy phòng là chính. Theo đó, huyện chỉ đạo các địa phương khảo sát, rà soát đối tượng, xây dựng phương án đối phó, nhất là phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và di dời người dân phải chủ động và kiên quyết. Huyện cũng đã thống nhất quy định bắn pháo hiệu báo bão và áp thấp nhiệt đới gần bờ, quy định về tín hiệu báo động lũ để cán bộ và người dân địa phương chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt  hại về người và tài sản.

 

Theo đánh giá của Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn tỉnh, nhìn chung, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng chưa được đầu tư nâng cấp. Ðối với phương tiện, lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn trên sông, trên biển vẫn chủ yếu sử dụng phương tiện của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh và tàu kiểm ngư nên còn nhiều hạn chế. Các điểm tránh trú bão cho tàu cá đã được đầu tư xây dựng song chưa hoàn thiện. Hiện nay, các khu neo đậu tránh trú bão mới chỉ đáp ứng được 50% tàu cá vào tránh trú bão, còn lại các tàu phải tránh trú ở các bãi ngang, cửa sông, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình đê, kè, cống đã xuống cấp nhưng chưa được tu bổ, sửa chữa. Một số hộ dân nuôi trồng thủy sản tại các bãi triều, chủ tàu khai thác, hộ dân ở nhà đã xuống cấp còn chủ quan, lơ là trong việc di dời khi có mưa bão xảy ra. Do đó, việc bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão vẫn là vấn đề cần được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

 

Ðại tá Trần Xuân Hiệp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Dự kiến sẽ tiến hành diễn tập trong tháng 6/2015, do đó đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp tổ chức diễn tập bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả. Khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, các địa phương - nhất là các huyện ven biển cần chú trọng công tác quản lý người và phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển, nhất là việc cho thuê phương tiện nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Ông Lê Minh Hiếu, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thái Bình

 

Cảng vụ Hàng hải Thái Bình sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định trong quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển Thái Bình với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các đơn vị liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Ngọc Mai

  • Từ khóa