Thứ 5, 15/05/2025, 20:39[GMT+7]

Tiền Hải - Để hệ thống đê, kè, cống vững chãi

Thứ 4, 03/06/2015 | 09:55:04
3,975 lượt xem

Đê biển số 5, đoạn qua xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đã được cứng hóa và trồng cây chắn sóng.

 

Cuối tháng 5, chúng tôi về Tiền Hải, được chứng kiến đơn vị thi công đang tiến hành cứng hóa mặt đê số 5. Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn, Ban Quản lý dự án xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Công ty TNHH Trường Tín đang tích cực thi công đắp áp trúc mái, gia cố mặt đê bằng bê tông, đoạn từ K3+632 đến K5+650 thuộc 2 xã Nam Hồng và Nam Hải. Công trình thuộc gói thầu số 30 (củng cố, nâng cấp đê biển số 5) với tổng dự toán xây dựng 5,9 tỷ đồng, khởi công ngày 4/4/2015 và dự kiến hoàn thành trong thời gian 120 ngày. Sau khi hoàn thành công trình này thì cơ bản đê biển số 5 ở Tiền Hải hoàn thiện đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống lụt bão. Tiền Hải là huyện ven biển, hệ thống đê, kè, cống có nhiều điểm xung yếu, khi bão đổ bộ vào sẽ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Do vậy, trong năm 2014, huyện đã hoàn thành các gói thầu theo chương trình cải tạo nâng cấp đê của tỉnh và trung ương với tổng chiều dài 4,125km, tổng kinh phí đầu tư xây dựng 79,7 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện làm chủ đầu tư thực hiện gói thầu 4 - 2 thuộc Dự án trồng cây chắn sóng ven biển; tu bổ, sửa chữa áp trúc đê số 6 thuộc địa phận xã Vũ Lăng - Tây Lương; nạo vét 324.948,0m sông trục, khối lượng 220.316m3, kinh phí gần 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn bố trí 832 triệu đồng khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông trục, kênh mương. UBND huyện đã có quyết định về việc phân cấp quản lý, đê, kè thuộc địa phận xã nào xã đó phải có trách nhiệm trông coi, bảo vệ, phát hiện những sự cố hư hỏng và các hành vi vi phạm Luật Đê điều. Trong năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hạt Quản lý đê điều và UBND các xã xử lý 23/67 vụ vi phạm, còn lại số vụ vi phạm đê điều đã được lập biên bản từ 1 - 6 lần. Trước mùa mưa bão năm 2015, huyện đã cử các đoàn công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê, kè, cống và yêu cầu các phòng, ban liên quan hoàn thành việc tu bổ, sửa chữa đê, kè, cống xong trước ngày 30/5/2015. Huyện cũng yêu cầu, trong bão, khi xảy ra sự cố mất an toàn cho đê, kè, cống, đồng chí cụm trưởng phải có trách nhiệm huy động lao động, vật tư, phương tiện để xử lý, đồng thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Sau bão, phải kiểm tra toàn bộ hệ thống đê, kè, cống để phát hiện những chỗ bị sạt lở, hư hỏng, huy động lực lượng sửa chữa kịp thời để ứng phó với các đợt bão, lụt tiếp theo.

 

 

Đê biển số 5, đoạn qua xã Namon> Thịnh (Tiền Hải) đã được cứng hóa và trồng cây chắn sóng.

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Tiền Hải đã đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển số 5, 6 và một số kè xung yếu. Nhìn chung, tuyến đê biển số 5 và số 6 bảo đảm đủ cao trình, mặt đê thiết kế chống đỡ được bão mạnh cấp 9 với mực nước triều trung bình. Song bên cạnh đó vẫn còn một số cống ở tuyến đê số 5, số 6 xuống cấp, hư hỏng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lụt, bão. Tiền Hải đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nguồn kinh phí thu quỹ phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ để phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão năm 2015. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện để huyện hoàn thiện, nâng cấp tuyến đê số 5 và số 6; đầu tư xây dựng cống Khổng, cống Cá, cống Tám cửa, cống Muối cũ, cống Đại Hoàng, cống Tam Đồng, cống Ngạn; đầu tư vốn hoàn thiện kè Lương Phú, xây mới kè Vũ Lăng; tiếp tục thực hiện Dự án trồng cây chắn sóng ven biển và đầu tư kinh phí nạo vét hệ thống sông trục nội đồng để tiêu úng kịp thời.

 

Phan Lợi

 

Ông Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

Trước mùa mưa bão năm 2015, UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và thực hiện tốt Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão. Cùng với đó, huyện yêu cầu UBND các xã phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê điều và các phòng chức năng của huyện ngăn chặn, xử lý các vi phạm: làm nhà, hàng quán, đào xẻ đê, khai thác cát, chất tải vật liệu lên đỉnh kè, mái đê và cơ đê, đổ rác thải, đào lấy đất, đào làm ao, làm đầm nuôi trồng thủy hải sản, trồng cây trên mái đê… Đối với hệ thống đê, huyện đề nghị các ngành chức năng bố trí nguồn vốn xây dựng đê kè từ K3+500 đến K7+600 đê cửa Hữu Trà Lý và từ cống Tân Lập đến K1+900; từ K3+950 đến K5+500 đê cửa sông Tả Hồng Hà.

Ông Bùi Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng

Trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri các xã khu Nam huyện Tiền Hải đều kiến nghị sớm có kế hoạch nâng cấp cống tưới, tiêu cho các xã khu Nam huyện. Trên địa bàn xã Nam Hưng có 2 cống Khổng và Rãng Đông đảm nhiệm tưới, tiêu cho 6 xã khu Nam đã xuống cấp cần xây dựng mới. Đặc biệt, cống Khổng được xây dựng bằng gạch từ năm 1957 đã bị vỡ toàn bộ hèm, phai. Với khẩu độ 1,42m, chưa kể nước sinh hoạt của nhân dân, cống Khổng đảm nhiệm tưới, tiêu cho khoảng 2.000ha đất canh tác nông nghiệp. Với lưu lượng tiêu (khả năng tháo) 13m3/s, nếu lượng mưa 200mm phải mất 7 - 10 ngày mới tiêu xong úng.

Ông Tô Văn Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp KTCT thủy lợi huyện

Trên địa bàn huyện Tiền Hải hiện có 28 cống dưới đê và 32 cống nội đồng đầu mối (cống điều tiết). Trong số cống dưới đê có 6 cống xung yếu cần xây dựng mới, đặc biệt có 2 cống đã xuống cấp nghiêm trọng cần xây dựng ngay là cống sông Cá (xã Đông Trà) và cống Khổng (xã Nam Hưng). Ngày 14/4/2015, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo về việc sửa chữa những hư hỏng của các cống. Xí nghiệp đã kiểm tra toàn bộ hệ thống cống dưới đê và lập phương án bảo vệ các cống trọng điểm xung yếu trong thời gian chưa xây dựng mới. Các phương án cụ thể về việc gia cố gồm: rọ đá, đắp đất, phủ bao tải, cắm kè tre, cọc... 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày