Chủ nhật, 30/06/2024, 23:25[GMT+7]

Chủ động phòng, chống ngập úng

Thứ 6, 31/07/2015 | 09:32:44
1,652 lượt xem
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua Bắc Bộ, từ ngày 29/7 đến ngày 3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to, đặc biệt là khu vực ven biển Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh, nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa, cây màu và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại Trạm bơm Đông Tây Sơn.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 81.000ha lúa mùa, trong đó trên 22.000ha gieo thẳng cùng trên 8.000ha cây màu hè thu mới gieo trồng, khả năng chống chịu ngập úng kém. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND, ngày 29/7/2015 yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình chủ động tiêu nước, hạ thấp mực nước trên các sông trục, phân công lực lượng thường trực theo dõi sát diễn biến thời tiết, mực nước để tận dụng tối đa mở các cống tiêu nước tự chảy và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Các huyện, thành phố chủ động phân công cán bộ kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn khẩn trương rút nước trên mặt ruộng và hệ thống sông trục cấp III để chủ động phòng, chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho diện tích lúa mùa và cây màu hè thu. Đồng thời, thông báo cho các nhà máy, xí nghiệp có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, tránh thiệt hại do mưa úng gây ra.

 

Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình

Công ty phụ trách tiêu thoát nước cho gần 38.000ha lúa và cây màu hè thu. Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, từ đêm ngày 28/7 Công ty đã khẩn trương thực hiện tiêu nước triệt để, hạ mức nước hệ thống xuống mức thấp nhất, tiến hành kiểm tra, vận hành các trạm bơm, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của tỉnh. Hiện Công ty tiếp tục chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, sẵn sàng bơm tiêu úng, bảo đảm an toàn cho diện tích lúa và cây màu mới gieo trồng.

Bà Nguyễn Thị Thao, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà

Xí nghiệp luôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, đồng thời chủ động mở các cống để rút nước đệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc mở cống và vận hành thử máy bơm. Xí nghiệp cũng tiến hành vận hành các trạm bơm và cử cán bộ trực sẵn sàng vận hành, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa to, bảo vệ 11.000ha lúa mùa trong hệ thống. 

Ông Trần Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm bơm Đông Tây Sơn

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình, Trạm bơm Đông Tây Sơn với 8 tổ máy công suất 2.500m3/h và 1 tổ máy công suất 1.200m3/h hiện đã sẵn sàng vận hành. Trạm bơm đã chủ động kiểm tra các cống, theo dõi sát diễn biến thời tiết, đồng thời cử cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ để sẵn sàng tiến hành tiêu thoát nước, bảo vệ an toàn cho gần 1.000ha lúa và cây màu.

 

 

Mai Thư

 

 

 

Biện pháp phòng, chống ngập úng cho lúa mùa

 

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã gieo cấy xong lúa mùa và chuyển trọng tâm sang chăm sóc. Năm nay, thời tiết diễn biến khó lường, vụ xuân ít mưa nên có thể sẽ có mưa lớn trong vụ mùa gây ngập úng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, làm giảm năng suất lúa. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa 2015, các địa phương trong tỉnh cần chủ động làm tốt một số nhiệm vụ sau:

 

1. Chủ động ứng phó với khả năng bị mưa úng

 

- Vụ mùa cần thực hiện tưới nước theo phương châm: Giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng.

 

- Các địa phương cần khoanh vùng diện tích có nguy cơ ngập úng cao để có các phương án xử lý nhanh, tiêu úng kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn nông dân tranh thủ bón thúc ngay sau cấy 5 - 7 ngày. Những nơi nhiều diện tích thấp trũng, lại gieo cấy muộn nên chăm sóc mạ dự phòng đến sát tiết lập thu.

 

2. Khi bị ngập úng

 

- Cần phân loại diện tích bị ngập úng, ưu tiên cho những diện tích lúa mới cấy, gieo thẳng muộn, những chân ruộng trũng. Huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy như mương máng, sông ngòi, sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh. Tuyệt đối không để cây lúa bị ngập lâu, nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển, thậm chí gây thối và chết lúa.

 

Trong khi thoát nước, nếu ruộng có rong rêu, trong quá trình tháo nước cần té nước lên lá lúa để rong rêu không bám trên mặt lá, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt hơn sau ngập úng.

 

- Sau khi tháo nước, thấy lá lúa lộ ra, bà con nên phun ngay các chế phẩm như KH, ET, siêu lân, PennacP... giúp cây phục hồi nhanh. Liều lượng như trên bao bì hướng dẫn.

 

- Sau ngập úng lúa dễ bị bọ trĩ gây hại, cần kiểm tra và phun trừ bọ trĩ.

 

- Khi cây lúa đã hồi phục, những ruộng chưa bón hết phân thúc cần khẩn trương bón hết lượng phân thúc. Ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao tương đương. Không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm tránh sâu bệnh hại và đổ ngã cuối vụ.

 

Mai Thị Thu Hương

(Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư)

  • Từ khóa