Chủ nhật, 04/08/2024, 15:19[GMT+7]

Bão số 4 diễn biến phức tạp không được chủ quan, coi thường

Thứ 6, 02/10/2015 | 15:39:29
908 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 4 (Mujigae) chiều ngày 2/10. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

 

 

Sáng ngày 2/10, bão Mujigae đã vượt qua đảo Lu Dông (Philippin) đi vào Biển Đông. Hồi 8 giờ, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc, 119,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6 đến cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương về công tác triển khai phòng, chống cơn bão số 4. Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định đây là cơn bão lớn, đang có xu hướng mạnh lên, kéo theo mưa lớn, có diễn biến phức tạp nên không được chủ quan, coi thường. Đồng chí yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành cần thực hiện tốt các công việc: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật kịp thời, cải tiến cách thức thông tin về cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức của người dân. Tổ chức kêu gọi tàu thuyền hoạt động tại các khu vực nguy hiểm được xác định: khu vực giữa và Đông Bắc của biển Đông; tuyên truyền, vận động người tại các chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ. Trên đất liền, các địa phương chuẩn bị rà soát lại các phương tiện, vật tư phòng, chống lụt, bão và bổ sung kịp thời bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án bảo vệ sản xuất và hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau bão; làm sạch mương dẫn nước, lối thoát lũ. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông chú ý các phương án bảo đảm giao thông, liên lạc, đặc biệt là các khu vực bị chia cắt để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Các tỉnh miền núi phía Bắc chú ý hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, có biện pháp phòng tránh và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

 

Tại tỉnh ta, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 6.000ha lúa mùa, diện tích cây vụ đông đã trồng 11.400ha. Tổng số tàu thuyền đang hoạt động, khai thác thủy hải sản 1.217 tàu với 3.432 lao động.

 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt các công việc sau: Thực hiện nghiêm tinh thần của các công điện; theo dõi, kiểm đếm, nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Yêu cầu kiểm tra, đôn đốc, thực hiện khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chính với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đóng các cống tưới, mở cống tiêu, triệt để tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Triển khai các phương án phòng, chống lụt, bão, bảo đảm an toàn cho các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; chủ động di dời dân sinh sống ở khu vực cửa sông, ven biển, nguy hiểm vào nơi an toàn trước khi bão vào. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê sông, đê cửa sông, đê biển, nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn trong bão phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để tu bổ, củng cố ngay; chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cây lớn. Hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình và các huyện, thành phố tranh thủ thời gian mở cống tiêu để hạ thấp mực nước trên các sông trục; kiểm tra lại toàn bộ các trạm bơm tiêu, chủ động triển khai tiêu úng khi có yêu cầu. Công ty Điện lực chủ động cung cấp điện và tu sửa kịp thời sự cố điện phục vụ bơm tiêu úng. Các ngành chức năng: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm Khí tượng thủy văn, Sở Giao thông Vận tải… chủ động triển khai ngay các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch.

Để bảo đảm an toàn cho gần 80.000ha lúa mùa và 11.400ha cây màu vụ đông mới trồng, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, đóng cống tưới, tranh thủ mở các công tiêu nước, đặc biệt là cống Trà Linh và cống Lân từ ngày 30/9 để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống.

Đến 7 giờ ngày 02/10, mực nước trong đồng tại cống Trà Linh là +0,07m; mực nước tại Cầu Nguyễn (Thị trấn Đông Hưng) là +0,28m; mực nước trong đồng tại cống Lân là +0,46m; mực nước tại Phúc Khánh (Thành phố) là +0,05m.

Lưu Ngần

  • Từ khóa