Thứ 7, 11/01/2025, 20:52[GMT+7]

Chủ động ứng phó mưa, bão bảo vệ sản xuất

Thứ 7, 03/10/2015 | 18:57:59
1,257 lượt xem
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tích cực, chủ động theo dõi sát diễn biến của cơn bão, sẵn sàng các phương án phòng, chống bão bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Trạm bơm Hệ thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Thái Bình vận hành thử nghiệm bảo đảm sẵn sàng tiêu úng khi có lệnh.

 

Hồi 8 giờ ngày 3/10, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Ðông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410km về phía Ðông Ðông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 90 - 100km/giờ), giật cấp 11 - 12. Trong 24 giờ đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Ðến 7 giờ ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Ðông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 - 90km/giờ), giật cấp 10 - 11.

 

Do ảnh hưởng của bão số 4 từ  đêm ngày 4 đến ngày 7/10, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương tích cực rà soát, khẩn trương rút hết nước mặt ruộng và hệ thống sông trục trước khi xảy ra mưa bão. Các địa phương cũng đã tiến hành khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập úng. Các cống: Thuyền Quan, Trà Linh, Diêm Ðiền ở khu vực phía Bắc và các cống: Ngữ, Dục Dương, Nguyệt Lâm, Lân khu vực phía Nam được mở liên tục các chân triều để tiêu thoát nước từ ngày 2/10. Trong trường hợp có mưa lớn, hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình sẽ cho vận hành các trạm bơm để bảo đảm tiêu nước kịp thời.

 

Các địa phương cũng đang khẩn trương huy động nhân lực, máy móc thu hoạch lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, xây dựng phương án bảo vệ lúa, cây màu khi có ngập úng xảy ra.

 

Tính đến 5 giờ sáng ngày 3/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đã liên lạc được với chủ 530 phương tiện tàu thuyền và 1.663 ngư dân đang neo đậu, hoạt động ven bờ biển trong tỉnh và tại các khu vực khác. Ngoài ra, huyện đã thông báo và triển khai phương án di dời đối với 1.849 hộ/3.740 người đang sinh sống và làm việc ở ngoài đê, trong đê chính và tại các nhà xuống cấp. 

 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tích cực đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương thu hoạch khoảng 2.000ha lúa mùa đã chín; có phương án bảo vệ đối với cây màu đã ươm, làm bầu, đặc biệt không đưa các bầu giống ra trồng trước khi bão tan hoặc điều kiện thời tiết không thuận lợi. Chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đóng các cống tưới, mở cống tiêu, rút triệt để nước trên hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa và cây màu.

 

Ngư dân chằng, chống phương tiện tại bến cá Nam Thịnh (Tiền Hải).

 

Vụ mùa năm 2015, huyện Tiền Hải gieo cấy gần 10.400ha lúa mùa, hiện nay một số diện tích lúa mùa trà sớm đang thu hoạch. Cây vụ đông đã trồng được 1.000ha gồm các giống ngô, đậu tương, rau màu các loại… Ðể chủ động ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải đã ra Công điện số 10 yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão; chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra các công trình trạm bơm, cống bảo đảm vận hành tốt cho việc chống úng. Yêu cầu Ðài Truyền thanh huyện, truyền thanh các xã, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, kịp thời về hướng đi của cơn bão để nhân dân chủ động ứng phó kịp thời. Quán triệt các xã ven biển phối hợp với bộ đội biên phòng kiểm tra, rà soát số lượng tàu, thuyền trên địa bàn, ngư dân khai thác hải sản, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để có phương án phòng tránh. Tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy hải sản cần chủ động phương án bảo vệ các vùng đầm, tránh thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền.

 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, UBND huyện Hưng Hà chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến hướng đi của cơn bão, sẵn sàng các phương án phòng chống bão, di dời người dân ở khu vực, nơi ở nguy hiểm vào nơi an toàn; kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê sông, đê cửa sông; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, đồng thời phân công cán bộ và các lực lượng thường trực tại các điểm xung yếu. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Hiện nay, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà đã tiến hành tiêu kiệt nước trên hệ thống sông, phân công cán bộ kiểm tra các cống dưới đê và chỉ đạo 100% nhân viên Xí nghiệp trực 24/24 giờ sẵn sàng bơm tiêu nước khi có mưa lớn xảy ra nhằm bảo vệ an toàn cho sản xuất.

 

 

Nông dân huyện Quỳnh Phụ khẩn trương thu hoạch lúa mùa đề phòng bão đổ bộ.

Diện tích lúa mùa của huyện Quỳnh Phụ là 11.690ha, đến nay, toàn huyện còn khoảng 10.500ha chưa được thu hoạch. Cây màu vụ đông đã trồng gần 3.000ha, trong đó, ngô 1.500ha, ớt 900ha, dưa bí 200ha, rau màu các loại 300ha. Toàn huyện có 1.243 hộ với 2.471 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà không bảo đảm an toàn.

 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban và chủ động phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

 

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của huyện, từ ngày 2 - 3/10, nhân dân các địa phương đã khẩn trương thu hoạch lúa mùa chín được 85 - 90% theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đề phòng bão đổ bộ làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, chằng buộc chống đổ, chủ động khơi thông dòng chảy cho diện tích cây màu vụ đông. Ðồng thời triển khai phương án bảo vệ các khu chăn nuôi tập trung và các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ven sông Luộc, sông Hóa.  

 

Thời điểm hiện tại, nông dân huyện Vũ Thư mới thu hoạch được gần 10% trong tổng số 8.200ha lúa mùa, trong khi đó diện tích lúa chín có khả năng cho thu hoạch hiện vẫn còn ngoài đồng trên 4.000ha. Nông dân đã gieo trồng gần 1.500ha cây vụ đông gồm ngô, khoai lang, đậu đỗ, rau màu các loại trên đất bãi và đất màu.

 

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện sẵn sàng hệ thống máy móc, vận hành trạm bơm Nguyên Tiến Ðoài tiêu rút nước nội đồng và mở cống Vũ Ðoài, Thái Hạc thực hiện tiêu ngang nước ra sông Hồng, phối hợp với HTX DVNN các xã, thị trấn huy động lực lượng giải tỏa rau bèo, vật cản trên các tuyến sông, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh khi có mưa lớn xảy ra. Ðặc biệt thời điểm này, nếu mưa lớn, gió mạnh sẽ gây ngập úng, đổ ngả lúa mùa và cây màu, vì vậy, nông dân huyện Vũ Thư huy động nhân lực tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tiến hành thu hoạch rau màu tránh dập nát. Triển khai các biện pháp bảo vệ cây màu mới gieo trồng, tiến hành khơi thông dòng chảy chủ động việc tiêu thoát nước mặt ruộng.

 

 

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại khu neo đậu Cồn Vành, xã Nam Phú (Tiền Hải).

 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 trên biển Ðông, chiều ngày 3/10, Ðoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh đã đến kiểm tra công tác tuyên truyền, kêu gọi người và phương tiện đang hoạt động, khai thác hải sản trên biển và các đầm, bãi ngao vào bờ tránh trú bão an toàn tại hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Mặc dù Thái Bình chưa chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 nhưng đến chiều ngày 3/10, lực lượng biên phòng tỉnh đã tuyên truyền, kêu gọi hơn 1.033 phương tiện/2.735 lao động vào bờ, neo đậu an toàn; đã liên lạc được với 141 phương tiện/462 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình và 43 phương tiện/204 lao động của tỉnh đang đánh bắt trên khu vực biển của Hải Phòng, Quảng Ninh. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã huy động 4 tàu, 7 ca nô, các đơn vị đồn, trạm, hải đội trực 100% quân số, sẵn sàng huy động khi có lệnh.

 

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày