Thứ 3, 06/08/2024, 01:14[GMT+7]

Bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè mùa mưa bão

Thứ 3, 16/08/2016 | 09:48:25
592 lượt xem

Huyện Tiền Hải huy động nhân lực, phương tiện tu bổ hệ thống đê bối đoạn qua thôn An Hạ (xã Nam Hải).

 

Bài 2: Khẩn trương khắc phục

 

Bão số 1 đi qua gây hậu quả hết sức nặng nề đối với hệ thống thủy lợi, đê, kè trên địa bàn tỉnh. Để có thể khôi phục lại được như ban đầu phải mất một thời gian khá dài. Tuy nhiên, trước tình hình mùa mưa bão sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, việc tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè bị hư hỏng hiện nay là việc cần làm ngay.

 

Là một trong những địa phương có hệ thống đê bối bị ảnh hưởng do bão số 1 gây ra, ngay sau khi sự cố đê bối An Hạ bị sạt lở trên 500m được phát hiện, UBND xã Nam Hải đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ và thống nhất biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho công trình phòng, chống lụt bão. Ông Hoàng Chung Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hải cho biết: Đến nay, UBND huyện Tiền Hải đã bố trí máy móc, khẩn trương cùng địa phương khắc phục được trên 400m đê. Dự kiến còn hơn 100m sẽ sớm hoàn thành trong vài ngày tới.

 

Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, huyện Tiền Hải đã tập trung đầu tư tu bổ đê, kè chống sạt lở, bảo đảm an toàn đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân tại các khu vực xung yếu. Trước thiệt hại về hệ thống đê, kè do bão số 1 gây ra, dự kiến tổng nguồn vốn để huyện Tiền Hải tu bổ, sửa chữa, khắc phục hậu quả sau bão số 1 đối với các công trình đê điều khoảng 45 tỷ đồng. Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Mặc dù chưa được bố trí vốn nhưng ngay sau khi cơn bão đi qua, UBND huyện đã khẩn trương huy động máy móc để tu bổ đê bối bị sạt lở đoạn qua thôn An Hạ, xã Nam Hải. Đối với các điểm bị ảnh hưởng khác, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án trình cấp trên để  nhanh chóng khắc phục, không để ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhân dân.

 

Tại huyện Vũ Thư, sau khi bão số 1 đi qua, huyện đã khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão, đặc biệt là thiệt hại về hệ thống đê, kè, cống. Huyện chỉ đạo chính quyền xã Vũ Vân huy động lực lượng lao động nhanh chóng khắc phục đoạn đê bị sạt lở. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên dự kiến phải hết tháng 8/2016 mới khắc phục xong. Huyện cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Khi được cấp kinh phí hỗ trợ phải đẩy nhanh tiến độ tu bổ hệ thống kênh mương, đê kè, công trình phòng, chống lụt bão theo kế hoạch cũng như các công trình xử lý cấp bách. Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, bão, kịp thời cảnh báo và có giải pháp ứng phó với lũ, bão, úng ngập hiệu quả.  Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, ngay sau bão số 1, huyện Hưng Hà đã sớm chỉ đạo các địa phương xảy ra sự cố sạt lở, hư hỏng hệ thống đê, kè khẩn trương tiến hành tu sửa, gia cố, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện đã cơ bản được sửa chữa, tu bổ. Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Hiện tại, huyện đã xây dựng và trình phương án khắc phục hệ thống đê, kè bị ảnh hưởng để sớm được bố trí kinh phí khắc phục sự cố. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các địa phương trên địa bàn khắc phục các kênh mương bị hư hỏng để phục vụ kịp thời đời sống và sản xuất của nhân dân.

 

Trước những thiệt hại về hệ thống thủy lợi, đê, kè, cống do bão số 1 gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương, đơn vị liên quan một mặt tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, đê biển, mặt khác khẩn trương tu bổ, sửa chữa những đoạn đê, kè, kênh mương bị hư hỏng. Chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, đánh giá chính xác thiệt hại về thủy lợi, đê, kè, lập phương án kế hoạch hỗ trợ các địa phương sớm khắc phục sự cố. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chú trọng các tiêu chuẩn thiết kế về an toàn các công trình trước thiên tai, nhất là một số công trình phòng, chống thiên tai như đê, kè, cống đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp, dẫn đến thiệt hại, ưu tiên nguồn lực để xử lý khi mới phát sinh sự cố. UBND tỉnh cũng đã trình Thủ tướng, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành về kinh phí hỗ trợ để đầu tư khắc phục công trình thủy lợi, đê, kè bị sạt lở, hư hỏng.

 

 

Ông Ðỗ Năng Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư

 

Để việc khắc phục hệ thống đê, kè đạt hiệu quả cao, về lâu dài, huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án khắc phục trình UBND tỉnh để sớm được đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đê, kè bị ảnh hưởng do bão để bảo đảm an toàn về người và sản xuất.

 

Ông Dương Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải

 

Để bảo đảm an toàn cho các công trình phòng, chống lụt bão, đề nghị các ngành chức năng khẩn trương bố trí kinh phí, huy động nhân lực, phương tiện khắc phục kịp thời sự cố, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống lụt bão trong thời gian từ nay đến hết mùa mưa bão và các năm tiếp theo.

 

Ông Cao Xuân Lệ, Bí thư Ðảng ủy xã Phúc Khánh (Hưng Hà)

 

Mặc dù không bị ảnh hưởng bão số 1, song quan điểm chỉ đạo của  địa phương là không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống lụt bão. Xã đã chỉ đạo HTX DVNN, các thôn trong xã theo dõi sát tình hình thời tiết, tổ chức khơi thông dòng chảy, tu sửa, gia cố hệ thống kênh mương nội đồng để bảo đảm tiêu nước kịp thời bảo vệ sản xuất khi thời tiết có mưa gây ngập úng.

 

Mai Thư - Phạm Hưng

  • Từ khóa