Cha ông ta tránh bão
Ảnh chụp tại Thái Bình lúc 5 giờ 15 phút ngày 25/7/2016, vài ngày trước khi bão số 1, tên quốc tế là Mirinae đổ bộ vào Thái Bình, gây thiệt hại lớn.
Bão là hiện tượng tự nhiên và là thiên tai nguy hiểm có thể tàn phá môi trường sống, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài sản và tính mạng của con người, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, đánh bắt thủy sản và hàng hải. Trải qua bão giông, các cụ ta tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm để nhận biết, phán đoán sự hình thành của bão. Ngày nay, bằng phương tiện kỹ thuật tiên tiến như phân tích ảnh mây vệ tinh… các nhà khoa học đã chứng minh nhiều kinh nghiệm quan sát tự nhiên bằng mắt thường của các cụ ta là có cơ sở khoa học! Bởi những kinh nghiệm dân gian chủ yếu dựa vào những thay đổi trạng thái của mây, mặt nước và những biểu hiện khác thường trong hoạt động sống của một số sinh vật như chim én, chuồn chuồn, ếch, nhái... Những kinh nghiệm quan trắc bằng mắt thường như nhìn trời lúc rạng đông, hoàng hôn, nhìn cây, lá, mặt nước…, ví dụ như: "Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa" (ráng ở đây là loại mây do sự khuếch tán có màu sắc) hoặc măng tre mọc chui đầu vào giữa khóm, lá cây cỏ ống có ngấn (móp) đầu lá thì sẽ có bão xảy ra…
Tổng kết hiện tượng thiên văn thành câu ca thì có lẽ chỉ có các cụ ta làm được. Những kinh nghiệm ấy đã được khoa học hiện đại ngày nay kiểm chứng, đúng đến… chín mươi chín phần trăm! Chỉ có điều, hiện nay, môi trường đang bị hủy hoại, văn hóa đọc không còn được tôn trọng, văn hóa truyền khẩu bị thất truyền cộng với nhiều hiện tượng tự nhiên dần mất đi, do vậy, việc truyền lại kinh nghiệm phòng tránh bão cũng ngày một mai một. Xưa kia, trong lời ru con, người mẹ cũng có thể dạy con nhận biết thiên văn từ thuở còn trong nôi:
À ơi… Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
Con ơi nhớ lấy câu này
Đông Nam có chớp chéo nhau, thấp sát mặt biển hôm sau bão về.
Hoặc:
Nào ai chài lưới ra khơi
Thấy mây đỏ ngọn thì bơi thuyền vào (ý nói sẽ có bão)
Cụ thể hơn:
Thâm Đông, hồng Tây, nổi may
Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi.
(Trời mùa hè, thường thì tháng bảy âm lịch, tháng tám dương lịch có gió heo may lại thêm trời phía Đông chuyển màu tối sẫm, phía Tây rựng hồng thì chắc chắn có bão).
Còn cách nói dân gian:
Mống bên Đông, cầu vồng bên Tây không mưa dây cũng bão giật.
(Mống là đám mây đùn lên từ phía Đông, quan sát lúc sáng sớm khi mặt trời sắp mọc)…
Quan sát sinh vật:
Kiến đắp thành thì bão
Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa.
Kiến là côn trùng sống bầy đàn, cảm nhận sự biến đổi của thời tiết, chúng tìm cách trốn, tránh và biểu hiện ra ngoài cho chúng ta nhận thấy được như câu ca trên. Cũng giống như kiến, loài ong cũng sống bầy đàn và rất có tổ chức. Chúng cảm nhận tốt về thời tiết, do vậy, khi chúng không bay đi hút mật mà chỉ lấp ló ở cửa tổ là chắc chắn có mưa bão bởi chúng cảm nhận sự nguy hiểm của bão sắp đến gần. Ngư dân ven biển Thái Bình lại có cách nhận biết bão sắp xảy ra bằng quan sát con sứa. Loài sứa biển khi bơi dạt vào bờ từng đám một cách không bình thường, đấy là báo hiệu có những trận bão đã hình thành cách nó cả nghìn ki-lô-mét. Khoa học tiên tiến ngày nay chứng minh loài sứa có vùng hạ âm đặc biệt, chúng có thể nghe được tiếng động đất rất nhỏ, cách xa nó hàng nghìn ki-lô-mét. Dựa vào kinh nghiệm "trông trời", các cụ ta xưa vẫn ngước nhìn bầu trời bao la để dự đoán thời tiết diễn ra như thế nào. Ví dụ: Nếu mây tụ thành khối lớn, mỏng, có dạng sợi to, tỏa lan nhanh khắp bầu trời, độ dày tăng dần lên và bay là là thấp xuống hoặc mây trắng đùn lên như núi bông là trời sắp có giông. Ngày nay, khoa học dự báo thời tiết đã hệ thống được các loại mây trên bầu trời để cung cấp dữ liệu phân tích dự báo bão. Loại mây có dạng từng chùm như sợi tơ trắng mịn, trắng muốt thường gọi là mây ti. Loại mây này có khi cong lên như móc câu hoặc có khi vắt ngang bầu trời. Lúc mặt trời sắp lặn thường có màu hồng hoặc màu vàng chói. Khi mây ti xuất hiện thường rất ít mưa. Nhưng về mùa hè, nếu xuất hiện loại mây này có thể báo hiệu sắp có giông bão. Dạng mây mỏng có màu sắc trắng đục như sữa thường gọi là mây ti tầng. Mây ti tầng đôi khi nom giống như mớ chỉ rối hoặc có hiện tượng quầng tán quanh mặt trời, mặt trăng. Khi xuất hiện loại mây này, khí áp bắt đầu hạ xuống, có thể báo hiệu có giông, bão lớn.
Các lực lượng trục vớt bèo bồng, giải tỏa dòng chảy tại cống Hoàng Môn, xã Nam Cường ( Tiền Hải) trước khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: Thu Thủy
Bão là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, gây ra gió rất mạnh, có thể đánh đắm tàu thuyền, làm đổ nhà cửa, gây mưa rất lớn, gây lũ lụt nghiêm trọng, có khi trở thành thảm họa. Mỗi năm, nước ta phải hứng chịu khoảng hơn mười cơn bão, trong đó Thái Bình cũng chịu vài ba cơn. Điển hình như cơn bão số 8 ngày 28/10/2012 có tên quốc tế là Sơn Tinh đổ bộ vào Thái Bình với sức gió lên đến cấp 12, giật cấp 13, 14. Đây là cơn bão có cường độ mạnh, thời gian đổ bộ dài vào đêm, mức độ tàn phá lớn nên đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Bốn năm sau, bão số 1 có tên quốc tế là Mirinae đổ bộ khá nhanh vào Thái Bình lúc 23 giờ ngày 27/7/2016 và "lựng" lại rất lâu. Cơn bão với sức gió lên đến cấp 12, giật cấp 14 - 15, tốc độ di chuyển chậm khi vào bờ và giật liên tục khiến nhiều cột điện bị gãy đổ, cây xanh bật gốc, bão kèm theo mưa lớn khiến hàng nghìn héc-ta lúa mùa bị ngập úng, các đầm nuôi trồng thủy sản bị bão đánh tan, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng… Đành rằng hoạt động dự báo bão dựa hoàn toàn vào các trạm quan trắc và đài thiên văn không phải lúc nào cũng chính xác. Tuy nhiên, cha ông ta ngày xưa chỉ dựa vào kinh nghiệm quan sát thiên văn để đưa ra dự báo bão, ấy vậy mà tránh được rất nhiều thảm họa do bão gây ra. Với hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt này, thiết nghĩ, nên phổ biến kinh nghiệm dân gian về dự báo bão rộng rãi bởi người dân cần được cảnh báo chính xác tâm bão đổ bộ vào đất liền trước khoảng thời gian để triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Ông Trần Văn Nghênh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Bình Bão là hiện tượng cực đoan của thời tiết, có sức tàn phá lớn, có thể gây hiểm họa khôn lường cho con người. Hiện nay, các cơn bão có thể được phát hiện ngay từ khi chúng mới hình thành ở giữa đại dương cách xa đất liền hàng nghìn ki-lô-mét nhờ trạm quan trắc khí tượng không ngừng hoàn thiện và các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng, đặc biệt là các vệ tinh khí tượng cung cấp thường xuyên hình ảnh mây có độ phân giải cao bao trùm toàn bộ trái đất. Nhưng nếu chỉ dựa vào kỹ thuật hiện đại đôi khi kết quả dự báo sẽ bị sai lệch, dẫn đến hậu quả nguy hại. Tham khảo thêm kinh nghiệm thực tiễn trong việc dự báo bão mà dân gian đã tổng kết sẽ giúp cho việc dự báo bão có độ chuẩn xác hơn. Ông Lê Văn Nhiễu, cán bộ hưu trí ở thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy Hiện tượng thời tiết lúc bão hình thành có thể nhận biết được khi ta cảm thấy không khí oi bức, ngột ngạt đến khó thở và rất khó chịu, có người bệnh tim mạch có khi phải cấp cứu. Quan sát bầu trời thấy quang đãng, lặng gió kéo dài vài ba ngày, xuất hiện những đám mây giống như những nếp nhăn và thường tích tụ phía cuối chân trời, đó là lúc bão lớn sắp xảy ra.
Ông Phạm Tiến Dũng, chủ doanh nghiệp tư nhân Tiến Tiến ở thôn Ngải Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải Ngư dân vùng ven biển Tiền Hải chúng tôi có kinh nghiệm sáng sớm nhìn về phía Đông thấy "vẩy tê tê" (mây) di chuyển từ phía Đông về phía Tây là dấu hiệu cho thấy có khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. Kinh nghiệm này chúng tôi thấy rất đúng với thực tế của nhiều trận bão lớn vì "vẩy tê tê" trên trời cao thường tỏa rất xa về phía trước bão. Tôi nghĩ, nếu chúng ta kết hợp kinh nghiệm dân gian với phương pháp dự báo bão hiện đại thì sẽ hạn chế được hậu quả do bão gây ra. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê 12.09.2024 | 18:21 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Công điện khẩn số 14 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 10.09.2024 | 08:12 AM
- Công điện khẩn số 11/CĐ-PCTT ngày 5/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 05.09.2024 | 19:05 PM
- Công điện khẩn số 03/CĐ-PCTT, hồi 7 giờ 00' ngày 20/7/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 21.07.2024 | 07:47 AM
- Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT, hồi 17 giờ 00' ngày 31/5/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 31.05.2024 | 22:38 PM
- Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 1) 17.07.2023 | 20:11 PM
- Tin dự báo mưa lớn khu vực tỉnh Thái Bình 14.06.2023 | 10:23 AM
- Tin dự báo nắng nóng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ 03.04.2023 | 14:37 PM
- Dự báo bão năm 2023: Chuyên gia thời tiết nói gì? 23.01.2023 | 12:22 PM
Xem tin theo ngày
-
Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải
- Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua kết quả thẩm tra các nội dung trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sĩ
- Triển khai cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Kết luận số 44-KL/TW và Kế hoạch số 123-KH/TU
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dâng hương tưởng niệm các anh hùng, người có công với cách mạng, tướng lĩnh Quân đội quê Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã