Các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động ứng phó với cơn bão số 7
* Thái Thụy
Toàn huyện Thái Thụy hiện có 556 tàu, thuyền/1.761 lao động, hoạt động khai thác thủy, hải sản trên biển. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện: tính đến 5 giờ sáng ngày 17/10, toàn huyện có 352 tàu thuyền/1.067 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh; 247 tàu, thuyền/654 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển tỉnh; 27 tàu, thuyền/191 lao động đang hoạt động tại các vùng biển ngoài tỉnh.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 7, hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn huyện nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 16/10, đồng thời liên lạc, thông báo cho toàn bộ các chủ tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm biết các thông tin về cơn bão để chủ động ứng phó và yêu cầu các chủ phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi tránh trú bão an toàn; bố trí sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; không để tàu, thuyền neo đậu gần các công trình thủy lợi…
Để chủ động ứng phó với con bão số 7 cũng như giảm thiểu những thiệt hại do bão gây ra trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các địa phương trong huyện Thái Thụy đang huy động tối đa phương tiện máy móc và nhân lực tập trung thu hoạch lúa mùa với phương châm “ xanh nhà hơn già đồng”. Toàn huyện phấn đấu đến hết ngày 18/10, cơ bản hoàn thành xong việc thu hoạch lúa mùa trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Nông dân huyện Thái Thụy khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Trần Tuấn
Theo ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy: Vụ mùa này, huyện Thái Thụy gieo cấy được khoảng 13.800ha lúa. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn thu hoạch. Ngay sau khi nhận được tin bão số 7 được đánh giá là rất mạnh, di chuyển nhanh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đồng bằng Bắc bộ, ngày 15/10, UBND huyện đã tổ chức họp bổ khuyết sản xuất nông nghiệp với các địa phương để chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín và có biện pháp bảo vệ cây màu vụ đông đã trồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, tổ chức xe lưu động về các xã để tuyên truyên người dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa tránh bão số 7. Từ sáng ngày 16/10 và trong ngày 17/10, các đồng chí lãnh đạo huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trực tiếp xuống chỉ đạo các xã, thị trấn huy động tối đa nhân lực, phương tiện, khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín và hoa màu với phương châm “ xanh nhà hơn già đồng”. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đến hết ngày 18/10 phải thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa đã chín; đồng thời tiêu nước triệt để trên hệ thống sông trục và kênh mương mặt ruộng, khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản, có phương án chống úng cụ thể để bảo vệ cho vùng cây vụ đông mới trồng, cấy giống mới gieo.
Để giúp người dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa tránh bão, huyện Thái Thụy đã huy động các lực lượng quân sự, lực lượng vũ trang huyện xuống các địa phương thu hoạch lúa giúp các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn…
Cán bộ, chiến sĩ tham gia gặt lúa giúp dân trước khi cơn bão số 7 đổ bộ đất liền tại xã Thụy Dân (Thái Thụy). Ảnh: Phạm Hưng
Theo Thượng tá Bùi Đức Mạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết: Sáng ngày 17/10, hơn 100 chiến sĩ, cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã xuống các xã: Thụy Dân, Thái Thành... để giúp các gia đình đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, nhà neo đơn thu hoạch lúa mùa tránh bão. Trong những ngày tiếp theo, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tiếp tục huy động chiến sĩ, và cán bộ xuống các địa phương giúp người dân thu hoạch lúa mùa tránh bão, trong đó ưu tiên những xã vùng trũng có nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch.
Nhờ đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, đến hết ngày 17/10, toàn huyện Thái Thụy đã thu hoạch được gần 10.000ha lúa mùa, chiếm hơn 70% tổng diện tích, phấn đấu cơ bản thu hoạch xong trước khi bão độ bộ vào đất liền, qua đó giảm thiểu những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do bão gây ra.
* Thành phố Thái BìnhĐể bảo đảm an toàn về người, tài sản nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, không an toàn như nhà tầng đã xuống cấp nghiêm trọng tại phường Quang Trung, Lê Hồng Phong, Kỳ Bá, khu dân cư ven đê Nhất Thanh, phường Kỳ Bá, nhà tạm, nhà trọ, nhà cấp 4, nhà yếu trong khu dân cư và 1.800ha lúa mùa đã chín, 400ha cây màu vụ đông đã trồng, sáng ngày 17/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố tổ chức họp ứng phó cơn bão số 7.
Nông dân xã Vũ Phúc tập trung thu hoạch rau màu trước bão số 7. Ảnh: Minh Nguyệt
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường, các ngành, đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín và hoa màu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch xong trước khi bão đổ bộ vào Thái Bình. Không để diện tích nào bị thất thu do bão gây ra. Chủ động di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình. Các xã, phường có đê Trà Lý tổ chức di chuyển vật liệu tại các bến bãi; triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, nhất là 4 điểm công trình đê kè xung yếu: Kè Nhân Thanh (xã Tân Bình), kè Vũ Đông 1, kè Vũ Đông 2 (xã Vũ Đông), kè Tống Thỏ (xã Đông Mỹ). Các đơn vị liên quan tổ chức chằng chống, la tỉa cành cây; triển khai thực hiện phương án bảo đảm an toàn hệ thống điện chiếu sáng; khơi thông hệ thống thoát nước đô thị; các dự án xây dựng trên địa bàn Thành phố thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện, công trình đang thi công.
* Tiền Hải
Đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang huyện Tiền Hải gặt lúa giúp dân. Ảnh: Mạnh Thắng
Toàn huyện Tiền Hải hiện có 620 tàu thuyền với 1.345 lao động tham gia các hoạt động đánh bắt thủy hải sản; 1.452 hộ tại khu vực chòi canh, nuôi trồng thủy hải sản ven biển; 298 nhà yếu với 721 người, 214 hộ với 635 nhân khẩu hiện đang sinh sống khai thác ngoài đê biển…
Đến 17 giờ ngày 17/10, các phương tiện tàu thuyền, lao động khai thác thủy, hải sản đã vào nơi tránh trú bão an toàn; ngoài ra có 34 phương tiện với 83 lao động của tỉnh ngoài đang neo đậu, tránh trú tại địa phương. Các địa phương huy động lực lượng, các đoàn thể tổ chức ra quân gặt lúa giúp dân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 7 gây ra.
Để nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Tiền Hải đã huy động 620 đoàn viên, lực lượng vũ trang, các đoàn thể chung tay góp sức cùng bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa, đặc biệt là hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ khó khăn về lao động, neo đơn.
* Hưng Hà
Nông dân huyện Hưng Hà tranh thủ gặt lúa mùa trước khi bão về. Ảnh: Mai Thư
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 7, hiện nay nông dân huyện Hưng Hà đã và đang khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thu hoạch xong lúa mùa trước ngày 19/10/2016 với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các địa phương trên địa bàn có kế hoạch bảo vệ cây vụ đông mới trồng, chủ động bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên hệ thống kênh mương mặt ruộng, tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy, bảo đảm tiêu nước nhanh không để ngập úng. Có kế hoạch thực hiện các phương án bảo vệ cây trồng, các công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công. Chủ động chằng chống, bảo đảm an toàn nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện... Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão gây ra…
Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được trên 9.000ha lúa mùa và gieo trồng được khoảng 4.000ha cây vụ đông.
* Kiến Xương
Đến ngày 17/10, huyện Kiến Xương mới thu hoạch được khoảng 3.000ha lúa mùa. Như vậy, hiện nay, toàn huyện còn hơn 8.000ha lúa đã chín, đang chờ thu hoạch. Toàn bộ diện tích này có nguy cơ mất trắng nếu như không thu hoạch kịp trước khi bão số 7 đổ bộ. Trước thực trạng đó, huyện Kiến Xương đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp và dốc toàn lực để gặt hái chạy đua cùng bão.
Để bảo vệ thành quả sản xuất vụ lúa mùa, huyện đã chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các cuộc họp, tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động, đôn đốc nông dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Không trông chờ vào máy móc, tất cả các hộ chủ động huy động hết nhân lực gặt thủ công để nhanh chóng đưa thóc, lúa về nhà tránh bão.
Nông dân xã An Bình tập trung thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Khắc Duẩn
Nhằm giải bài toán thiếu nhân lực thu hoạch lúa mùa, huyện Kiến Xương tuyên truyền, vận động, chỉ đạo lực lượng thanh niên, công an, quân sự tập trung hỗ trợ các hộ gia đình neo người, các xã còn nhiều diện tích lúa để thu hoạch. UBND huyện chỉ đạo các nhà trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở cho học sinh nghỉ học; các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tạm dừng hoạt động, cho công nhân nghỉ để về nhà bắt tay ngay vào thu hoạch lúa mùa. Bên cạnh nông dân gặt thủ công bằng tay, các địa phương vận động các hộ có điều kiện mua máy gặt rải hàng (có trị giá khoảng 3 triệu đồng/chiếc) tham gia gặt hái để thúc đẩy tiến độ nhanh hơn.
Ưu tiên số một của huyện Kiến Xương hiện nay là bằng mọi giá phải thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa trước khi bão số 7 đi vào đất liền. Do đó, nhằm tránh tình trạng các chủ máy gặt nhận ôm diện tích và ép giá công gặt của nông dân, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền tới các chủ máy của địa phương; tạo điều kiện cho chủ máy của các địa phương khác đến thu hoạch giúp nông dân; đồng thời, quản lý chặt chẽ giá thuê khoán công gặt, không để thiệt hại cho nông dân và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Thái Bình, từ sáng ngày 17/10, tất cả cán bộ của huyện Kiến Xương đã được chỉ đạo, giao nhiệm vụ tăng cường xuống cơ sở, bám nắm địa bàn, đôn đốc các xã, thị trấn tuyên truyền, thông tin về bão số 7 tới mọi người dân để tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chủ động các biện pháp phòng tránh thiên tai, bảo vệ tài sản và tính mạng con người; trước mắt, khẩn trương thu hoạch nhanh gọn hơn 8.000ha lúa mùa, kiên quyết không để thiệt hại do bão số 7 gây ra.
* Vũ Thư
Đến ngày 17/10, nông dân huyện Vũ Thư đã thu hoạch được trên 6.000 ha lúa mùa, chiếm 75% diện tích và gieo trồng được trên 3.400 ha cây vụ đông. Nhận được thông tin cơn bão số 7 là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Thư đã liên tục có công điện khẩn chỉ đạo các ban, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão.
Hộ nuôi cá lồng Vũ Thư chủ động chằng néo lồng, lưới bảo vệ cá. Ảnh: Quỳnh Lưu
Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn cập nhật thông tin, diễn biến của bão và phát sóng 2h/lượt để nhân dân biết và chủ động đối phó. Huyện và các địa phương tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị chưa cấp thiết, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tạm dừng gieo trồng cây vụ đông để huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch nốt khoảng 1.700 ha lúa mùa đã chín, tiến hành thu nhanh một số diện tích rau màu, dưa chuột, bí xanh vụ đông sớm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp tiêu rút triệt để nước nội đồng, giải tỏa dòng chảy, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống trạm bơm, để sẵn sàng vận hành khi cần thiết, bảo vệ an toàn 3.400 ha cây vụ đông đã gieo trồng. Các địa phương tuyên truyền, thông báo cho 1.400 chủ trang trại, gia trại và các hộ nuôi cá lồng trên sông chủ động chằng chống kỹ chuồng trại, chằng néo lồng bè chắc chắn để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, tài sản.
Cùng với bảo vệ an toàn sản xuất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Vũ Thư chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn chủ động gia cố, chằng buộc nhà cửa, bảo quản các thiết bị, tài sản, tránh thiệt hại do bão. Các địa phương rà soát, chuẩn bị lực lượng hỗ trợ sơ tán 1.600 hộ dân từ các nhà yếu sang các nhà kiên cố đảm bảo an toàn. Đặc biệt, Điện lực huyện Vũ Thư đã huy động 100% cán bộ, công nhân tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng, nâng câp hệ thống lưới điện phấn đấu cấp điện thông suốt để phục vụ các hoạt động phòng, chống bão, nhất là công tác bơm tiêu nước khi có ngập úng xảy ra.
* Đông Hưng
Nông dân xã Đông Xuân thu hoạch lúa trước bão. Ảnh:Đỗ Hiền
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 7 gây ra, bà con nông dân huyện Đông Hưng đang khẩn trương huy động tối đa nhân lực, phương tiện phấn đấu hết ngày 18/10 thu hoạch toàn bộ trên 11.000ha lúa mùa.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Hết ngày 16/10, toàn huyện mới thu hoạch được gần 50% diện tích lúa mùa. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 7 gây ra, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; cho các xe đi tuyên truyền lưu động trên địa bàn toàn huyện; chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nhân lực, phương tiện thu hoạch lúa mùa, lên phương án chống ngập, úng, bảo vệ cây vụ đông; chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo cho học sinh THCS nghỉ học để ở nhà giúp gia đình thu hoạch lúa; huy động cả lực lượng quân đội cùng ra đồng giúp dân gặt lúa chống bão; đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị giống cây, con phục vụ bà con gieo trồng sau bão cho kịp thời vụ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, chắc chắn 100% diện tích lúa mùa của huyện Đông Hưng sẽ được thu hoạch xong trước ngày 18/10- trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
* Quỳnh Phụ
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, mực nước đo được lúc 6 giờ ngày 17/10 tại Đại Nẫm là 0,48m, tại Cao Nội là 0,45m, tại Cống Neo là 0,45m, tại thị trấn Quỳnh Côi là 0,5m và đang tiếp tục qua Trà Linh. Dự kiến khi bão đổ bộ, mực nước tại các hệ thống sông trục sẽ được rút đến mức thấp nhất. Các công trình đê, kè, cống trên địa bàn huyện ổn định, vật tư phục vụ phòng chống lụt bão đảm bảo về số lượng và chất lượng. Toàn huyện có 977 hộ với 1.853 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà không đảm bảo an toàn, còn khoảng 3.700/11.700 ha lúa mùa chưa được thu hoạch, diện tích cây màu vụ đông đã trồng khoảng 5.600ha.
Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Trước diễn biến nhanh và phức tạp của bão số 7, chấp hành nghiêm các chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ huy đã ra các công điện khẩn yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện chủ động triển khai, ứng phó với cơn bão số 7. Huyện đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện và các địa phương tạm hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 7. Cán bộ huyện được phân công xuống các xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban và lệnh điều động theo các công điện khẩn, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với cơn bão. Huyện đã triển khai các phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, trên mặt đê, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trang trại… Duy trì lực lượng ứng trực 24/24 tại các trạm bơm, cống qua đê, các địa điểm xung yếu, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Nhân dân xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa ứng phó với bão số 7. Ảnh: Trịnh Cường
Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đang chủ động tiến hành tiêu nước trên các hệ thống sông trục, đề phòng bão đổ bộ kèm theo mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản và các vùng thấp trũng, tổ chức giải phóng bèo bồng và vật cản trên các sông trục theo phân cấp quản lý. Bảo đảm cung cấp đủ điện năng cho các trạm bơm phục vụ việc bơm tiêu úng kịp thời khi bão đổ bộ, Điện lực Quỳnh Phụ đã tăng cường cán bộ, công nhân tiến hành kiểm tra và kịp thời sửa chữa hệ thống lưới điện và các trạm biến áp. Lực lượng quân đội và công an huyện ứng trực 100% quân số, có các phương án điều động cán bộ, sỹ quan sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh, đồng thời phân công lực lượng xuống các xã, thị trấn phối hợp với cùng lực lượng tại chỗ làm nhiệm vụ chằng chống lồng bè, sẵn sàng di dời toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản tại các xã giáp sông Luộc như Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Ngọc và các hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm, trong nhà không đảm bảo an toàn, các hộ thuộc diện gia đình chính sách, neo đơn, không nơi nương tựa đến nơi an toàn. Các phà và đò ngang chở khách bị cấm hoàn toàn trong thời gian ảnh hưởng của bão. Thông qua hệ thống đài truyền thanh và xe tuyên truyền lưu động, các công điện chỉ đạo của tỉnh và huyện được liên tục được tuyên truyền đến các địa phương hướng dẫn người dân chủ động các phương án ứng phó với bão.
Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, Quỳnh Phụ tăng cường công tác chỉ đạo và vận động nhân dân tập trung phương tiện và nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đã chín. Đồng thời, có các phương án thu hoạch hoa màu và chuẩn bị giống cây trồng thay thế những diện tích cây vụ đông bị hỏng do bão. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Huyện đoàn đã tổ chức lực lượng tình nguyện phối hợp với các đoàn thể xã Quỳnh Trang, thị trấn An Bài… thu hoạch lúa giúp nhân dân. Quỳnh Phụ phấn đấu đến ngày 19/10 sẽ hoàn thành thu hoạch toàn bộ diện tích lúa mùa.
* Công ty Điện lực Thái Bình
Công nhân Điện lực Thái Bình xử lý khiếm khuyết trên đường dây. Ảnh: Minh Nguyệt
* Bộ đội Biên phòng tỉnh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân giúp dân chằng chống phương tiện giúp dân. Ảnh: Tất Đạt
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đến 16 giờ ngày 17/10, toàn tỉnh còn 234 phương tiện/607 lao động đánh bắt gần bờ đang vào nơi neo đậu; 527 lao động trong tổng số 1.646 lao động trên các chòi nuôi ngao đã vào bờ, còn 1.119 lao động chờ nước lên để vào. Thực hiện lệnh cấm biển của UBND tỉnh, từ chiều ngày 16/10, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo 3 đồn biên phòng duy trì các tổ kiểm soát chốt trên bộ, trên biển để thông báo về diễn biến của bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, nghiêm cấm các phương tiện ra khơi. Trưa ngày 17/10, đơn vị cũng đã thông báo đến tàu Hải Dương 06 với 14 thuyền viên đang làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan trên khu vực biển Thái Bình di chuyển về Quảng Ninh trú bão. Để chủ động phòng, chống bão, các đồn biên phòng trực 100% quân số; tiếp tục kêu gọi phương tiện và lao động chưa vào bờ, lao động trên các chòi nuôi ngao vào nơi tránh trú, tuyệt đối không để người và phương tiện hoạt động ngoài biển khi bão vào.
* Lực lượng vũ trang tỉnh
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tiền Hải thu hoạch lúa giúp nhân dân xã Tây Lương (Tiền Hải). Ảnh: Tất Đạt
Chủ động ứng phó với bão số 7, chiều ngày 17/10, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã huy động 170 đồng chí cán bộ thường trực phối hợp với lực lượng dân quân địa phương tham gia giúp nông dân xã Thái Thành (Thái Thụy) thu hoạch lúa mùa. Tại các xã Tây Lương (Tiền Hải), Thụy Dân (Thái Thụy), Ban CHQS hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương phân công cụ thể cho 91 cán bộ thường trực, trong đó Ban CHQS huyện Thái Thụy 41 đồng chí, Ban CHQS huyện Tiền Hải 50 đồng chí trực tiếp xuống địa bàn giúp 30 gia đình, ưu tiên gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn thu hoạch lúa mùa ở những khu vực có nguy cơ ngập úng. Ngoài ra, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 Quân khu 3 cũng huy động 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nông dân 7 xã của huyện Tiền Hải thu hoạch lúa mùa.
* Công an tỉnh
Nhằm giúp bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa trước khi bão số 7 đổ bộ, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức cho gần 200 đoàn viên thuộc các phòng, ban Công an tỉnh và Công an thành phố Thái Bình xuống các xã trọng điểm của các huyện Tiền Hải, Thái Thụy giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn thu hoạch lúa.
* Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Thái Bình
Ngay từ ngày 14/10 Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Thái Bình đã tiến hành tiêu nước trên toàn bộ hệ thống. Tại cống Trà Linh tiến hành tiêu nước từ 5 giờ sáng ngày 17/10. Đến 7 giờ sáng ngày 17/10 mực nước trong đồng tại Trà Linh là +15, tại cầu Nguyễn (thị trấn Đông Hưng) là +45. Công ty cũng đã tiến hành đóng điện chạy thử 10 trạm bơm; tổ chức lực lượng khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa to.
Từ ngày 16/10, Công ty duy trì 100% quân số trực 24/24 giờ bảo đảm ứng phó với các tình huống xấu xảy ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
* Sở Giáo dục và Đào tạo
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ra Công văn số 701 về việc cho học sinh nghỉ bão, thu hoạch mùa.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc tích cực chủ động phòng chống cơn bão số 7, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cơn bão gây ra, đồng thời tùy vào tình hình thực tiễn từng địa phương, cho học sinh nghỉ bão, thu hoạch mùa bắt đầu từ chiều ngày 17/10. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình cơn bão số 7, chủ động cho học sinh nghỉ học khi có tình huống khẩn cấp, có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Sau khi nghỉ học, các trường cần có kế hoạch tổ chức dạy bù cho học sinh, bảo đảm nội dung, chương trình học tập của năm học, kịp thời báo cáo khi có sự cố xảy ra.
* Đoàn thanh niên
Để giúp nhân dân hạn chế những thiệt hại do bão số 7 có thể gây ra, chiều ngày 17/10, tại các xã: Quang Trung (Kiến Xương), Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ), Đông Động (Đông Hưng), Nam Trung (Tiền Hải), Tỉnh đoàn Thái Bình phối hợp với Đoàn Thanh niên Trường Đại học Thái Bình, đoàn thanh niên các huyện và xã sở tại giúp nhân dân gặt lúa.
Đoàn viên thanh niên giúp nhân dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Phương Chi
Gần 500 đoàn viên thanh niên đã tình nguyện giúp các gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo, neo đơn thu hoạch, vận chuyển, đóng gói lúa. Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập các đội thanh niên xung kích tình nguyện phối hợp với ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương giúp nhân dân dọn dẹp và tu bổ lại nhà cửa, các công trình phụ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra...
Nhóm phóng viênTin cùng chuyên mục
- Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê 12.09.2024 | 18:21 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Công điện khẩn số 14 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 10.09.2024 | 08:12 AM
- Công điện khẩn số 11/CĐ-PCTT ngày 5/9/2024 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành 05.09.2024 | 19:05 PM
- Công điện khẩn số 03/CĐ-PCTT, hồi 7 giờ 00' ngày 20/7/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 21.07.2024 | 07:47 AM
- Công điện khẩn số 01/CĐ-PCTT, hồi 17 giờ 00' ngày 31/5/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình 31.05.2024 | 22:38 PM
- Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 1) 17.07.2023 | 20:11 PM
- Tin dự báo mưa lớn khu vực tỉnh Thái Bình 14.06.2023 | 10:23 AM
- Tin dự báo nắng nóng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ 03.04.2023 | 14:37 PM
- Dự báo bão năm 2023: Chuyên gia thời tiết nói gì? 23.01.2023 | 12:22 PM
Xem tin theo ngày
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, chúc tết Trường Đại học Y Dược Thái Bình
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chính trị dịp tết Nguyên đán tại phường Trần Hưng Đạo
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu ở một số cơ quan, đơn vị
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tặng quà Làng trẻ em SOS Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy trao quà tết tại xã An Thanh
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ