Thứ 6, 27/12/2024, 06:22[GMT+7]

Tinh gọn bộ máy từ cơ sở (Kỳ 1)

Thứ 5, 26/09/2019 | 09:39:44
1,430 lượt xem
Là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy từ cơ sở, giảm cán bộ không chuyên trách, nâng cao hoạt động quản lý ở thôn, tổ dân phố theo hình thức tự quản, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố được đa số cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ.

Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ).

Kỳ 1: Chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân

Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập, toàn tỉnh có 2.076 thôn, tổ dân phố với quy mô số hộ không đồng đều, có những thôn, tổ dân phố chỉ có vài chục gia đình, tạo nhiều đầu mối gây lãng phí và áp lực chi cho ngân sách. Vì vậy, khi chủ trương sáp nhập các thôn, tổ dân phố không đạt quy mô số hộ theo quy định được triển khai, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng tình, ủng hộ cao.

Thôn Cun, xã Tân Hòa (Hưng Hà) trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập có 59 hộ với 199 nhân khẩu. Dù dân số ít nhưng vẫn phải bảo đảm đầy đủ bộ máy quản lý với 3 người hoạt động không chuyên gồm 1 bí thư chi bộ, 1 trưởng thôn, 1 phó thôn, ngoài ra còn có 5 người là trưởng các đoàn thể (cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, nông dân, người cao tuổi). Trong khi đó, cũng trên địa bàn xã, thôn Riệc có 703 hộ với trên 2.000 nhân khẩu, bộ máy quản lý cũng giống như thôn Cun. Qua đó có thể thấy thực tế hiện nay quy mô dân số của các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Có những thôn, tổ dân phố quy mô nhỏ nhưng vẫn phải bảo đảm đầu mối cho quản lý chính quyền cơ sở, vẫn cần có nguồn lực con người và vật chất. Mặc dù dân cư ít nhưng mỗi thôn, tổ dân phố vẫn phải đầu tư xây dựng riêng nơi hội họp, nhà văn hóa, khu thể thao... 

Theo ông Đoàn Minh Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa: Trước khi thực hiện việc sáp nhập, xã có 8 thôn, trong đó 4 thôn có quy mô nhỏ thuộc diện phải sáp nhập là thôn Cun (59 hộ); thôn Ruốm (98 hộ); thôn Khám (105 hộ); thôn Lường (112 hộ). Quy mô thôn nhỏ làm phát sinh tổ chức, tạo đầu mối, tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách, gây áp lực chi cho ngân sách địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ, đoàn thể; gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ thực tế trên, việc triển khai sáp nhập thôn chưa bảo đảm quy mô theo quy định để thành lập thôn mới hoàn toàn phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đồng thời tạo sự gắn bó, củng cố sức mạnh, tăng cường đầu tư xây dựng công trình phúc lợi xã hội từ cộng đồng dân cư.

Không chỉ nhận được sự đồng tình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố cũng được đa số người dân các địa phương đồng tình rất cao. 

Ông Tạ Ngọc Hoanh, thôn Lễ Thần, xã Thái An (Thái Thụy) cho biết: Thôn Lễ Thần hiện nay được thành lập sau khi sáp nhập hai thôn Lễ Thần Nam và Lễ Thần Đoài do quy mô số hộ không bảo đảm theo quy định. Bản thân tôi và người dân địa phương rất đồng tình với chủ trương sáp nhập thôn để tinh gọn bộ máy ở cơ sở, tiết kiệm chi ngân sách. 

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hiểu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ): Do đúng, trúng, hợp ý dân nên chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố được người dân đồng thuận rất cao. Vì vậy, khi địa phương triển khai thực hiện sáp nhập 13 tổ dân phố không bảo đảm số hộ theo quy định thành 6 tổ rất thuận lợi, không gặp khó khăn, người dân đồng thuận với tỷ lệ đạt 100%. Theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ về sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, các thôn, tổ dân phố có dưới 150 hộ (đối với thôn), dưới 175 hộ (đối với tổ dân phố) thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố khác liền kề trong cùng xã, phường, thị trấn để hình thành thôn, tổ dân phố mới. Các thôn, tổ dân phố có từ 150 hộ (đối với thôn), từ 175 hộ (đối với tổ dân phố) trở lên ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện việc sáp nhập. Tiêu chí sáp nhập để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới căn cứ theo Thông tư số 14 ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04 ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. 

Theo số liệu của Sở Nội vụ, tại thời điểm cuối năm 2018, toàn tỉnh có 426/2.076 (20,5%) thôn, tổ dân phố có quy mô không bảo đảm theo quy định cần phải sáp nhập. Trong đó, thành phố Thái Bình có 320 tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập, cao nhất tỉnh; các huyện còn lại có từ 3 - 26 thôn, tổ dân phố phải sáp nhập. 

Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai thực hiện việc sáp nhập, có 20 thôn, tổ dân phố thay đổi quy mô số hộ gia đình so với thời điểm 31/12/2018, không còn thuộc diện phải sáp nhập và 5 thôn, tổ dân phố có yếu tố đặc thù. Những trường hợp này, UBND các huyện, thành phố đã có báo cáo giải trình và đề nghị giữ nguyên hiện trạng, chưa thực hiện việc sáp nhập. Như vậy, toàn tỉnh còn 401 thôn, tổ dân phố (57 thôn, 344 tổ dân phố) phải thực hiện sáp nhập để bảo đảm quy mô theo quy định. Theo phương án sáp nhập các địa phương xây dựng, số thôn, tổ dân phố liên quan đến sáp nhập là 485. Sau sáp nhập, toàn tỉnh giảm được 292/2.076 thôn, tổ dân phố (14,06%) đồng thời giảm được số lượng lớn cán bộ không chuyên trách, góp phần giảm chi cho ngân sách địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã.

(còn nữa)

Đào Quyên



  • Từ khóa