Thứ 7, 27/04/2024, 15:27[GMT+7]

Ngày đón anh trở về

Thứ 4, 26/07/2023 | 16:31:49
6,456 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới, huyện Tiền Hải có 22 nghìn người con ưu tú lên đường chiến đấu. Đã có 4923 người anh dũng hy sinh vì Tổ quốc khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Những ngày này, trong mỗi gia đình, mỗi nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn lại phảng phất hương trầm, như để đón các anh trở về bên người thân, đồng đội và quê hương.

Bà Hà Thị Sáu, thôn Lương Phú, xã Tây Lương thắp hương cho hai anh trai là liệt sĩ.

Hành trình đón các anh trở về quê hương

Trong chuyến tác nghiệp tại xã Tây Lương, tôi đến thăm gia đình bà Hà Thị Sáu, thôn Lương Phú, thân nhân của liệt sĩ Hà Lương Bông và Hà Lương Bảng. Những giọt nước mắt đã chảy xuống và đôi lúc nghẹn ngào không lên lời khi bà Sáu kể cho tôi nghe về 2 người anh liệt sĩ của mình. 

Liệt sĩ Hà Lương Bảng sinh năm 1943, nhập ngũ năm 1963, hy sinh ngày 11/8/1966; liệt sĩ Hà Lương Bông sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 8/1967, hy sinh năm 14/7/1968. Chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình bà Sáu đã mất đi 2 người thân yêu.

Bà Sáu tâm sự: biết chiến tranh là chia ly, mất mát, nhưng nỗi đau mất người thân mà không biết nơi chôn cất thi hài của họ ở đâu thì lại càng dằn vặt lương tâm. Sau nhiều năm tìm kiếm, đến năm 2015, gia đình bà Sáu đã biết được nơi an táng của liệt sĩ Hà Lương Bông tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Nhơn, thị xã Phổ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tên tuổi, ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, hy sinh, đơn vị chiến đấu... của liệt sĩ Bông đều đúng, duy nhất địa chỉ quê quán không chính xác. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Phổ Nhơn ghi xã Tân Lương, trong khi liệt sĩ Bông quê quán xã Tây Lương. Gia đình đã liên hệ với các ban ngành để xin xác nhận và làm các thủ tục đính chính. Đến ngày 13/7/2022, gia đình đã đưa liệt sĩ Bông về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện Tiền Hải. Dù đến nay gia đình bà Sáu mới tìm được 1 liệt sĩ, nhưng đó cũng là niềm an ủi vô cùng lớn lao đối với những người còn sống.

“Ngày đưa anh Bông về có rất đông anh em họ hàng, bà con làng xóm, cấp ủy, chính quyền đến thăm viếng. Gia đình tôi phấn khởi và xúc động lắm. Tôi xin chân thành cảm ơn các cấp, các ngành liên quan, cán bộ, lãnh đạo xã Phổ Nhơn đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi trong quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ” - bà Sáu xúc động nói.

Chân dung và bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Hà Lương Bông

Chân dung và bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Hà Lương Bảng

Mỗi năm vào dịp 27/7, các gia đình, thân nhân liệt sĩ lại tề tựu, sum họp bên nhau cùng làm mâm cơm cúng giỗ những người thân đã hy sinh vì chiến tranh. Bên cạnh niềm vui của những gia đình đã tìm được liệt sĩ đưa về quê hương yên nghỉ, vẫn còn đó những nỗi xót xa, ngậm ngùi của gia đình vắng bóng người anh, người em giờ không biết yên nghỉ tại nơi đâu. Gia đình ông Tô Ngọc Vũ, thôn Nam, xã Tây Giang là một trong những trường hợp như thế.

Ông Tô Ngọc Vũ, thôn Nam, xã Tây Giang thắp hương trước bàn thờ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hợp.

Trong căn nhà tình nghĩa của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hợp (mẹ của ông Vũ) nay được làm nhà thờ, ông Vũ trò chuyện, tâm sự với chúng tôi về tiểu sử gia đình, cuộc đời chinh chiến của bản thân. 

Ông Vũ cho biết: gia đình có 3 anh em lên đường nhập ngũ, trong đó có ông và anh trai Tô Văn Túc, sinh năm 1945, em trai Tô Văn Quán sinh năm 1952. Sau 2 năm đi thanh niên xung phong, đến năm 1968 ông Vũ vào chiến trường miền Nam. Năm 1973 ông được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình mới biết người anh và em của mình cũng vào chiến trường miền Nam.  Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, ông Vũ xuất ngũ trở về địa phương. Tưởng chừng Bắc – Nam một nhà, anh em được trở về đoàn tụ cùng bố mẹ và các em ở quê hương, ai ngờ đó cũng là lúc ông nghe tin sét đánh người anh và em trai của mình đã hy sinh . Liệt sĩ Túc hy sinh tháng 3 năm 1972, liệt sĩ Quán mất tháng 1/1973. Nhưng đến cuối năm 1975 gia đình mới nhận được giấy bảo tử của 2 liệt sĩ cùng một lúc. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân. Nửa thế kỷ trôi qua, gia đình ông Vũ đã nhiều lần tìm kiếm thông tin, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở con số không. Ông Vũ đã từng lên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để trích lục, giải mã các ký hiệu và thông tin ghi trong giấy báo tử của 2 liệt sĩ. Viết thư gửi lên chuyên mục Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hàng tuần ông đều lắng nghe để xem có thông tin gì về 2 liệt sĩ của gia đình, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được. 

Bàn tay gân guốc của người cựu chiến binh Tô Ngọc Vũ đôi lúc run rẩy nắm chặt lấy nhau, mắt ngấn lệ nhưng vẫn cố kìm nén cảm xúc để chia sẻ với chúng tôi. Ông Vũ bảo “đến lúc mẹ tôi nhắm mắt xuôi tay vào tháng 9/2022 vẫn mong ngóng ngày đón các anh trở về quê cha, đất tổ. Anh em chúng tôi còn sống thì vẫn tiếp tục thực hiện di nguyện của bố mẹ và hy vọng có ngày được đón 2 liệt sĩ trở về quê hương”.

Trước những mất mát của các gia đình liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách liên quan đến việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay, huyện Tiền Hải đã  tìm kiếm và quy tập được gần 1500 liệt sĩ an táng tại 8 nghĩa trang liệt sĩ khu vực. Trong đó năm 2022, có 8 gia đình liệt sĩ đã tìm kiếm và đưa hài cốt  các anh về quê hương an táng. Còn hơn 3400 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác bên vách đá cheo neo, bên những con suối, trong những cánh rừng bát ngát cây xanh  và trên khắp nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh, thành trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Mái nhà chung của các liệt sĩ

Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện Tiền Hải hiện đang là nơi yên nghỉ của 578 hài cốt liệt sĩ. Phần lớn hài cốt ở đây là của các liệt sĩ huyện Tiền Hải; ngoài ra có 48 phần mộ không có tên, 6 phần mộ liệt sĩ ngoài tỉnh. Bước vào Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện, tâm trạng mỗi chúng ta không thể tránh khỏi cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào. Mỗi phần mộ yên nghỉ tại đây chính là sự hiện diện của những người con Tiền Hải anh hùng năm xưa, những chứng nhân đã làm nên lịch sử.

Ông Phạm Thắng ngày ngày chăm sóc các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện.

Đi một vòng quanh khuôn viên nghĩa trang, chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Phạm Thắng, quản trang. Vừa quét dọn, lau các phần mộ, ông Thắng cho biết: gắn bó với công việc đến nay cũng 26 năm, ông nhớ gần như hết tên và vị trí của từng phần mộ trong nghĩa trang. Dù không cùng cha, cùng mẹ, không anh em, họ hàng, nhưng ông Thắng coi mỗi liệt sĩ nằm yên nghỉ tại đây như người thân máu mủ ruột già của mình vậy. 

Ông Thắng bảo: “Nghĩa trang liệt sĩ là ngôi nhà chung của những người anh hùng đã hy sinh thì mỗi phần việc tại đây tôi coi như là công việc của chính gia đình mình vậy. Với mong muốn làm sao giữ gìn, chăm sóc mái nhà chung của các liệt sĩ lúc nào cũng sạch đẹp, ấm cúng, để mỗi thân nhân  khi đến đây đều cảm thấy ấm lòng. Và điều tôi vui nhất, mỗi lần thân nhân liệt sĩ đến đây đều mong tôi mạnh khỏe. Như vậy là tôi vui lắm rồi”.

Huyện Tiền Hải hiện có 8 nghĩa trang liệt sĩ khu vực, là nơi an nghỉ của gần 1.500 liệt sỹ; 10 đài tưởng niệm, 8 nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, 1 đền thờ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ trung tâm huyện. Những năm qua, UBND huyện, chính quyền các xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí  tu bổ, tôn tạo và xây mới. Các công trình khang trang một phần thể hiện lòng thành kính tri ân của mỗi cán bộ, nhân dân Tiền Hải với các anh hùng liệt sĩ, một phần an ủi sự mất mát, hy sinh của gia đình các thân nhân. 

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), các đồng chí lãnh đạo huyện, các ban ngành đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã thành lập các đoàn viếng tại nghĩa trang liệt sĩ, đến thăm hỏi sức khỏe, trao quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. 7852 suất quà của Chủ tịch nước, 8692 suất quà của tỉnh, 8692 suất quà của huyện đến nay các địa phương đã cơ bản việc trao tận tay các gia đình chính sách. Ngoài ra nhiều đoàn của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê cũng có những phần quà trao tặng tới gia đình chính sách. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tiếp nối truyền thống, tự hào khát vọng vươn lên của quê hương cách mạng của quê hương 14/10.

Năm tháng trôi qua nhưng những chiến công của các anh hùng liệt sĩ sẽ không bao giờ phai trong lòng mỗi người dân. Những nghĩa trang liệt sĩ, những đài tưởng niệm – nơi yên nghỉ, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ vẫn trường tồn cùng sự phát triển của đất nước, như nhắc nhở mỗi chúng ta về một quá khứ đầy hào hùng và cũng nhiều đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam. Xin nghiêng mình cúi đầu thắp nén tâm nhang, dâng vòng hoa đỏ thắm máu đào bày tỏ lòng thành kính, tri ân những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hồng Thắm

(Đài PT-TH Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày