Thứ 7, 23/11/2024, 09:13[GMT+7]

Bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp

Thứ 3, 04/08/2020 | 09:07:25
6,731 lượt xem
Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Song bên cạnh những kết quả đạt được, Thái Bình đang đối mặt với những bất cập, tồn tại về bảo vệ môi trường (BVMT) trong các KCN, CCN.

Lấy mẫu kiểm tra chất lượng nước thải tại Công ty TNHH May TAV (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh).

Toàn tỉnh hiện có 6 KCN, 46 CCN thu hút các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực: may mặc, dệt sợi, gốm sứ, gạch men, thủy tinh, điện tử, gia công kim loại, đúc ép nhựa... Đã có 3 KCN: Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Gia Lễ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn 3 KCN: Tiền Hải, Cầu Nghìn, TBS Sông Trà đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Và mới chỉ có 8/46 CCN đã và đang hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; 38 CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong các KCN, CCN mới chỉ xử lý sơ bộ trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung hoặc thải ra kênh mương nội đồng, do đó chất lượng nước thải ở các KCN, CCN này hầu hết không đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường xung quanh. Đối với chất thải rắn thông thường, hầu hết các doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý với các đơn vị ngoài tỉnh (do trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại). Do vậy, công tác quản lý chất thải nguy hại gặp nhiều khó khăn, việc thống kê, quản lý và báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở còn hạn chế. Nhiều cơ sở thu gom không triệt để, chất thải nguy hại còn để ngoài trời, không có biện pháp che chắn hoặc lưu giữ cùng với chất thải sinh hoạt hay chất thải sản xuất thông thường. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các KCN, CCN thường xuyên phát sinh khí thải, mỗi ngành sản xuất phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí đặc trưng theo từng loại hình công nghệ, khó xác định hết tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm nhưng chủ yếu vẫn là ô nhiễm bởi bụi trong sản xuất xi măng, thép, gốm sứ... và các loại khí thải SO2, CO, NOx.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây Thái Bình chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, gây ảnh hưởng đến người dân, vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành trong quá trình tham gia các dự án đầu tư vào KCN, CCN theo hướng không khuyến khích đầu tư các ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chỉ chấp thuận dự án đầu tư phù hợp với tính chất, ngành nghề của KCN, CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, trong công tác thẩm định, phê duyệt thủ tục về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT luôn chú trọng đến công tác thẩm định, giám sát xây dựng và hiệu quả vận hành các công trình, biện pháp BVMT. Các ngành chức năng và các địa phương không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT trong các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác BVMT, xử lý chất thải rắn, khí thải tại các doanh nghiệp, các KCN, CCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Cụm công nghiệp Thụy Sơn (Thái Thụy) có quy mô khoảng 20ha, hiện đã thu hút một số doanh nghiệp thứ cấp vào hoạt động. Ông Nguyễn Huy Thắng, trưởng ban thi công CCN Thụy Sơn cho biết: Ngay sau khi triển khai xây dựng hạ tầng CCN, chúng tôi đã triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 750m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Phúc Khánh (thành phố Thái Bình).

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT tại các KCN, CCN, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BVMT cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ môi trường của các cơ sở sản xuất có nguồn thải, công suất xả thải lớn, nguy cơ ô nhiễm cao. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch phát triển khu, CCN gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với BVMT.

Đức Dũng