Thứ 3, 24/12/2024, 09:52[GMT+7]

Phân loại rác thải từ gia đình

Thứ 2, 02/11/2020 | 09:38:33
1,899 lượt xem
Thay vì dồn hết cho đơn vị thu gom, xử lý rác thải, phụ nữ nhiều địa phương đã tách lượng rác hữu cơ ủ phân vi sinh bón cho cây trồng; thức ăn thừa tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; túi nilon, chai, lọ nhựa bán để gây quỹ giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là cách làm của mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình của hội phụ nữ cơ sở, tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ môi trường.

Phụ nữ xã Thụy Chính (Thái Thụy) phân loại rác thải tại gia đình.

Đến thăm gian bếp của một số gia đình thuộc thôn Miếu, xã Thụy Chính (Thái Thụy), chúng tôi nhận thấy bếp nào cũng khá ngăn nắp, sạch sẽ và đều có 2 thùng chứa rác với 2 màu khác nhau. Bà Nguyễn Thị Hằng, thôn Miếu cho biết: Trước đây chúng tôi thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đã duy trì bỏ rác đúng nơi quy định nhưng không phân các loại rác như thế này. Từ năm 2016, UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã triển khai việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Đến đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của Viện Khoa học công nghệ Hà Nội, hội viên phụ nữ thực hiện bài bản hơn: thùng màu xanh đựng rác phân hủy được (rác hữu cơ), thùng màu vàng chứa rác vô cơ như chai, lọ, lon bia, túi nilon... Chúng tôi cũng được hướng dẫn cách đào hố rác và được cung cấp chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ để bón cho rau trồng trong vườn. Không chỉ chị em mà các thành viên khác trong gia đình cũng hưởng ứng nhiệt tình với việc phân loại rác thải. 

Ông Nguyễn Văn Đãi, thôn Miếu chia sẻ: Hố chứa rác được xây phía sau nhà rất hợp vệ sinh. Sau thời gian ủ rác hữu cơ từ 1 - 2 tháng, tôi xúc ra để bón cho hoa, cây cảnh. Hố chứa rác này giúp gia đình tôi tận dụng triệt để nguồn rác thải. Tổ thu gom rác thải cũng đỡ vất vả hơn.

Gia đình bà Vũ Thị Cam, thôn Mỹ Đức, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) có 5 thành viên. Trước đây toàn bộ rác thải đều được bà Cam gom chung lại với nhau. Thế nhưng, từ cuối năm 2017 trở lại đây lúc nào gia đình bà cũng có 2 thùng để đựng từng loại rác riêng biệt. 

Bà Cam cho biết: Tất cả thành viên trong gia đình tôi đều quán triệt, rác là túi nilon thì để vào sọt túi nilon để tổ thu gom rác thu gom đem về bãi rác tập trung để xử lý, những chai, lọ nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt thì để riêng có thể bán lấy tiền, còn những rác như vỏ cam, vỏ chuối thì bỏ vào sọt đựng rác hữu cơ để xử lý tại nhà. 

Chị Tạ Thị Chung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hoàng cho biết: Bỏ tất cả rác thải vào chung với nhau là thói quen của hầu hết người dân. Thói quen này không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai. Bởi thế, Hội LHPN xã xác định để thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ thì phải làm tốt công tác tuyên truyền. Ngoài các buổi tập huấn, hướng dẫn phân loại rác thải tại xã, mỗi chi hội thành lập tổ phụ nữ đến từng gia đình tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện phân loại rác thải sao cho hiệu quả.

Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày có khoảng gần 60% là rác thải hữu cơ, còn lại là rác thải vô cơ và rác thải tái chế. Rác thải hữu cơ chính là nguồn phân bón sạch sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Rác thải vô cơ như nhựa, nilon, kim loại, cao su... người dân có thể tận dụng để bán. Nếu phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ từ hộ gia đình thì lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể, tạo điều kiện cho việc thu gom và xử lý rác thải vô cơ được thuận lợi.

Có thể thấy, ở các địa phương có triển khai việc phân loại rác thải, lượng rác thải ra đã giảm hẳn, môi trường cũng trong lành hơn. Từ mô hình, hội LHPN các địa phương vận động hội viên thu gom các phế liệu có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nước, giấy... bán để nuôi lợn nhựa tiết kiệm giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay việc phân loại rác thải tại hộ gia đình ở các địa phương mới chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn. Các cấp hội LHPN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thực hiện việc chuyển giao phương thức, trang thiết bị thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn để nhân rộng trong các địa phương toàn tỉnh.

Xuân Phương