Thứ 4, 25/12/2024, 22:58[GMT+7]

Tuổi trẻ chung tay bảo vệ môi trường

Thứ 4, 02/03/2022 | 07:46:14
5,096 lượt xem
Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là công tác trọng tâm của tổ chức đoàn thanh niên trong thời gian qua. Nhiều mô hình mang tính sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ đang được lan tỏa trong cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên xã Phương Công (Tiền Hải) làm đồ chơi từ lốp xe cũ.

Những chiếc lốp xe ô tô, xe máy hỏng tưởng như bỏ đi nhưng nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, các đoàn viên, thanh niên đã biến chúng thành những đồ chơi hữu ích cho trẻ em tại nhiều trường mầm non và khu dân cư trong tỉnh. Chúng được biến thành những chiếc xích đu, bập bênh, được nhiều em nhỏ ưa thích và vui chơi sau giờ tan học, hay gần đây nhất là thành những biển cảnh báo với nhiều nội dung như: đi chậm, quan sát, giảm tốc độ và các thông điệp ngắn gọn trong phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là cách làm hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, tái chế lốp xe đã qua sử dụng nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Chị Trần Thị Sen, Bí thư Huyện đoàn Tiền Hải cho biết: Tuy sử dụng vật liệu tái chế nhưng đồ dùng, đồ chơi hay biển cảnh báo làm từ lốp xe đều bảo đảm về độ bền và an toàn. Trước khi sử dụng để tái chế, đoàn viên, thanh niên phải làm sạch lốp xe, các bề mặt của lốp xe được sơn màu, các mối hàn chắc chắn... bảo đảm an toàn, nhất là với trẻ nhỏ. Việc sử dụng vật liệu tái chế làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, học sinh đã tiết kiệm một phần chi phí không nhỏ, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Nhờ mới lạ, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, không giống với các đồ chơi được sản xuất đại trà trên thị trường nên trẻ rất thích. Nhiều cơ sở đoàn đã triển khai mô hình này như xã Tây Giang, Phương Công, Nam Hải... Huyện đoàn sẽ nhân rộng mô hình này đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 

Thực hiện chương trình “Vì một Việt Nam xanh” do Trung ương Đoàn phát động, các cấp bộ đoàn đã triển khai các hoạt động phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên trong tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, trồng cây cần hướng đến mục đích cụ thể, tùy vào điều kiện địa phương, như chống sạt lở đất, chống xâm nhập mặn, cải tạo đất hoặc tạo giá trị kinh tế, cải thiện sinh kế cho người dân... Bên cạnh đó, mỗi đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây là một tuyên truyền viên, khuyến khích người thân, cộng đồng nơi mình sinh sống có ý thức trồng và bảo vệ cây xanh, tạo các vườn ươm chăm sóc cây.

Cùng với hoạt động trồng cây xanh, việc giữ gìn cảnh quan môi trường luôn là vấn đề được quan tâm. Theo đó, các đội thanh niên tình nguyện đã bóc xóa quảng cáo không đúng quy định. 

Cô giáo Lê Thị Thanh Hoàn, Tổng phụ trách Liên đội Trường Tiểu học Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) cho biết: Trong các giờ học hay giờ ngoại khóa, giáo viên dành thời gian để tuyên truyền, giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường như: không xả rác bừa bãi, trồng, bảo vệ cây xanh. Liên đội cũng triển khai mô hình bồn cây em chăm để các em tham gia tết trồng cây ngay tại khuôn viên trường. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em đã tự tay trồng và thực hiện hoàn chỉnh các bước bảo vệ cho cây phát triển tốt, qua đó giúp các em có thêm bài học về kỹ năng sống, nâng cao ý thức trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tạo động lực để các em thể hiện trách nhiệm của bản thân trong việc chung tay xây dựng thành phố Thái Bình ngày càng xanh, sạch, đẹp. 

Theo số liệu từ Tỉnh đoàn Thái Bình, trong năm 2021, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức trồng được 135.605 cây xanh, thu gom, phân loại và xử lý gần 10,2 tấn rác thải. Các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai thường xuyên và rộng khắp gắn với ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh với nhiều hoạt động thiết thực như: thu gom rác thải, trồng cây xanh, xây dựng các vườn ươm thanh niên, tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng nước sạch và tiết kiệm nước; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tặng thùng đựng rác, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; bóc, gỡ quảng cáo, rao vặt trái phép... Các cấp bộ đoàn đã khai thác lợi thế của mạng xã hội để kêu gọi đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ môi trường. 

Việc duy trì những mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa lớn sẽ tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”, góp phần thay đổi nhận thức cho đoàn viên, thanh thiếu niên, tạo sự đồng bộ trong việc chung tay giữ gìn môi trường sống của cộng đồng. 

Giáo viên, học sinh hưởng ứng tết trồng cây tại Trường Tiểu học Vũ Lạc (khu B).  

Xuân Phương