Thứ 4, 25/12/2024, 22:48[GMT+7]

Ngày nước thế giới 2022: Hãy bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm

Thứ 3, 22/03/2022 | 09:14:05
1,304 lượt xem
Ngày nước thế giới 2022 có chủ đề “Nước ngầm” nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn dưới những tầng đất sâu. Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Ngày nước thế giới - một sự kiện quốc tế được tổ chức thường niên kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 - 14/6/1992. Tại đây, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 22/3 hàng năm là ngày để truyền tải các thông điệp về ý nghĩa của nước, giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt, góp phần tăng cường quản lý nguồn tài nguyên nước quý giá. Năm 2022, với chủ đề “Nước ngầm”, chiến dịch nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước, điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng lại đang bị khai thác và sử dụng một cách thiếu bền vững, làm suy giảm cả về chất và lượng. Nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước uống hàng ngày cho người dân. Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với con người, nước ngầm đóng vai trò quan trọng với tự nhiên khi góp phần ổn định dòng chảy của nhiều con sông, đồng thời giúp cố định các lớp đất đá bên trên, tránh các hiện tượng sạt lở hay sụt lún. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng cao dẫn đến khai thác quá mức mạch nước ngầm ở nhiều nơi, nhất là tại các thành phố. Cùng với đó, công tác thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải tại nhiều đô thị chưa hiện đại dẫn đến tình trạng nguồn nước bẩn, các chất gây nguy hại thẩm thấu vào lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Riêng ở các vùng ven biển, do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nước ngầm đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn ngày càng gia tăng.

Thái Bình với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, do vậy nguồn nước ngầm trên địa bàn khá phong phú, trữ lượng và chất lượng nước ngầm đáp ứng tốt cho các nhu cầu của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển sản xuất và nhu cầu sinh hoạt như hiện nay, lượng nước ngầm khai thác không ngừng tăng qua các năm. Việc khai thác nước ngầm quá mức cùng với việc thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm đang khiến nguy cơ ô nhiễm nước ngầm tăng cao. Nước ngầm tại Thái Bình đang được khai thác ở 3 tầng, trong đó tầng QH khai thác ở độ sâu trung bình 10 - 20 mét là tầng nước chịu ảnh hưởng lớn từ các tác nhân gây ô nhiễm trên bề mặt. 

Ông Đỗ Trần Chinh, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nước ngầm hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt nên bảo vệ nguồn nước ngầm phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường và phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế trong từng giai đoạn. Để bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm, nhiều chính sách đã được ban hành trên cơ sở lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính. Khoanh định vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước ngầm; lập quy hoạch khai thác, sử dụng nước ngầm; thực hiện quy định nộp tiền cấp quyền khai thác nước ngầm... là những giải pháp đang được tỉnh triển khai nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ nguồn nước ngầm.

Để giữ gìn nguồn nước ngầm cần phải nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ sạch nguồn nước. Hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường nước. Câu chuyện sử dụng nước một cách tiết kiệm chưa bao giờ là cũ đối với mỗi người dân, mỗi gia đình. Do đó, bằng những việc làm nhỏ trong gia đình, bạn có thể góp phần làm giảm lượng nước ngầm tiêu thụ, góp phần vun đắp cho cuộc sống mai sau.

Minh Nguyệt