Chủ nhật, 24/11/2024, 09:59[GMT+7]

Cần những giải pháp bền vững bảo vệ môi trường làng nghề

Thứ 2, 18/04/2022 | 08:48:25
2,960 lượt xem
Thái Bình hiện có 156 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 83 làng nghề phát triển ổn định. Các làng nghề truyền thống sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cũng đặt ra cho các làng nghề những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Nghề dệt khăn xã Thái Phương (Hưng Hà) tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Hưng Hà là một trong những địa phương có số làng nghề nhiều nhất tỉnh. Cùng với lợi ích về kinh tế, người dân làng nghề đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải, khí thải. Mặc dù tỉnh, huyện và chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề chưa được cải thiện. Nổi tiếng là “làng tỷ phú” nhờ nghề dệt truyền thống song cùng với sự hưng thịnh của làng nghề, người dân xã Thái Phương (Hưng Hà) cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tập trung công suất 80m3/ngày đêm từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức do vướng mắc trong việc tiếp nhận nước thải để vận hành. Vừa đến đầu làng, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những đống rác ngổn ngang khắp các sông, mương máng. Những rãnh dẫn nước thải đặc đen kịt, bốc mùi hôi thối, không khí ngột ngạt, khó thở. Đó là hệ quả tất yếu bởi toàn xã có tới 75% số hộ và gần 100% số hộ làng Phương La gắn bó với nghề dệt, trong khi đó hầu hết nước thải từ dệt nhuộm đều được xả thải trực tiếp ra môi trường. Chính vì vậy, nước trong tất cả các kênh mương tại đây đều chung một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. 

Bà Trần Thị Hải, thôn Phương La 1 cho biết: Nhiều năm nay, người dân chúng tôi quen sống với ô nhiễm từ bụi, tiếng ồn, nước thải. Biết là ô nhiễm nhưng vì là nghề truyền thống mang lại thu nhập cho gia đình nên hầu hết mọi gia đình vẫn giữ nghề. Chỉ mong hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Phương La đi vào hoạt động để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải sản xuất.

Tại làng nghề sản xuất miến dong xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình), tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải sản xuất cũng gây bức xúc trong nhân dân. Đến làng nghề, chúng tôi thấy cảnh tất bật của những hộ dân sản xuất miến dong. Nhưng cùng với đó là mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống rãnh thoát nước. Mặc dù đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, thông thoáng, sạch đẹp nhưng đi đến đâu cũng bắt gặp nước thải ở tất cả cống rãnh thoát nước làng nghề một màu đen kịt. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra từ nhiều năm nay do hầu hết các cơ sở sản xuất miến dong chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là hình thức. Các hộ sản xuất xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mùa mưa nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước và không khí. Sự phát triển của nghề làm cho làng nghề “phình” ra, quy mô sản xuất của các cơ sở ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường. 

Bà Hà Thị Hằng, thôn Quang Trung bức xúc: Ô nhiễm môi trường từ nguồn nước đã tích tụ từ bao năm nay và vẫn đang là vấn đề hết sức nhức nhối của người dân. Người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền xã nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Thời tiết những ngày hè oi nóng cộng với mùi hôi thối nồng nặc từ hệ thống thoát nước thải trong khu dân cư khiến người già, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Hiện nay, công tác quản lý môi trường tại các làng nghề vẫn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn do các làng nghề nằm phân tán trong khu dân cư, nguy cơ ô nhiễm chỉ giới hạn trong phạm vi một khu vực thôn, làng, xã nên rất khó quy hoạch. Các nguy cơ ô nhiễm về nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn... đều cần phải được xử lý theo đúng quy trình với nguồn kinh phí đầu tư lớn trong khi đa số các hộ sản xuất tại làng nghề đều là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Thực tế lâu nay tại nhiều địa phương, các giải pháp đưa ra, thực hiện nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chỉ là các giải pháp tình thế trước mắt, mang tính tạm thời nên hiệu quả không cao.

Để làng nghề phát triển bền vững rất cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý, các cơ quan chức năng cần xây dựng, ban hành và áp dụng các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiện trạng môi trường đối với toàn bộ các làng nghề, các cơ sở sản xuất, có biện pháp hướng dẫn và xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất; di dời hoặc đình chỉ sản xuất đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Nhưng quan trọng nhất là người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ hậu quả lâu dài.

Rác thải tràn lan trên sông Buộm tại làng nghề xã Phái Phương.

Minh Nguyệt