Chủ nhật, 24/11/2024, 11:56[GMT+7]

Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 5, 23/06/2022 | 08:39:28
1,327 lượt xem
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trang trại của nông dân Nguyễn Văn Thập, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

 Nhiều năm qua, sau chiến dịch phun trừ sâu bệnh, ông Nguyễn Văn Trường, thôn Vũ Xá, xã An Đồng (Quỳnh Phụ) cùng các hội viên nông dân của thôn Vũ Xá lại tiến hành thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng để vào đúng nơi quy định. Ông Trường cho biết: Chi hội nông dân thôn Vũ Xá đã thành lập 1 mô hình “Cánh đồng không có rác thải độc hại” với sự tham gia của 12 hội viên. Mô hình đã duy trì hoạt động 10 năm qua, chúng tôi tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất gắn với giữ gìn vệ sinh đồng ruộng, tiến hành thu gom được hơn 1 tấn rác thải nhựa như: bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chai, lọ, túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng: Mô hình “Cánh đồng không có rác thải độc hại” được Hội Nông dân xã thành lập và duy trì từ năm 2011 đến nay và nhân rộng ra tất cả các thôn với sự tham gia của gần 100 hội viên nông dân. Mỗi năm hội viên thu gom được gần nửa tấn rác thải các loại tại các xứ đồng, đưa về nơi xử lý tập trung của xã. Nhiều hội viên không chỉ ủng hộ tiền mua khẩu trang, liềm, cuốc, găng tay, chổi... mà còn tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Cùng với đó, Hội Nông dân xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 55 hội viên có trang trại, gia trại xây dựng bể chứa chất thải, sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải trong chăn nuôi; đồng thời trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP góp phần bảo vệ môi trường, sản xuất an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản sạch.

Tại xã Phú Lương (Đông Hưng) năm 2020 chỉ có 20 gia đình hội viên cấy hơn 1ha lúa thân thiện với môi trường thì đến năm 2022 có trên 70% hội viên nông dân đã tham gia cấy lúa thân thiện với môi trường. 

Bà Mai Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền tới hội viên về lợi ích của việc cấy lúa thân thiện với môi trường không chỉ tiết kiệm nước, giống, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân hiểu và tích cực làm theo. Các chi hội nông dân ở các thôn thành lập tổ thu gom rác thải với hơn 20 hội viên tham gia, trực tiếp đi thu gom rác thải vào những ngày đầu tuần và cuối tuần. Nhiều hội viên thường xuyên tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa, các loại cây xanh, làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo diện mạo xanh, sạch, đẹp cho quê hương.

Ông Lê Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, các cấp hội nông dân trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động như mít tinh, hưởng ứng chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương tạo thuận lợi cho tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Trong năm 2021, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức 3.886 buổi tuyên truyền cho hơn 370.700 lượt hội viên về sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thành lập 164 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. 

Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, mua 400 thùng đựng rác cấp cho 200 gia đình hội viên, đồng thời tuyên truyền để họ hiểu rõ lợi ích từ việc phân loại rác thải tại nguồn. Các cấp hội khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo vệ môi trường do người dân và cộng đồng tự khởi xướng; khuyến khích hội viên sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nhiên liệu phục vụ sản xuất, hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính; đồng thời tham gia trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn. Trong chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình “Hội Nông dân xây dựng hệ thống thoát nước thải trong chăn nuôi gia trại gắn với bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Vũ Trung (Kiến Xương) và nhân rộng ra toàn tỉnh, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; vận động hội viên sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi và tái sử dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng. 

 Theo ông Lê Mạnh Cường: Qua thực hiện các mô hình nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đa số gia đình hội viên tham gia đều chấp hành tốt việc phân loại, xử lý rác thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; từ đó tạo hiệu ứng, lan tỏa các mô hình đến nhiều địa phương, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân tỉnh sẽ xây dựng những mô hình điểm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để hội viên nông dân tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Hội Nông dân xã An Đồng (Quỳnh Phụ) xây dựng mô hình.


Tiến Đạt