Chủ nhật, 24/11/2024, 12:53[GMT+7]

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Chủ nhật, 14/08/2022 | 16:09:36
2,439 lượt xem
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đã chuyển từ bị động sang ứng phó, chủ động phòng ngừa, bảo vệ và hồi phục.

Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh ĐỨC DUY

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng đã được hoàn thiện, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải; hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường, phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức; tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. 

Đáng chú ý, mới có 22% cụm công nghiệp ở nước ta có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Mặt khác, các nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm theo dòng chảy, công nghệ lạc hậu sang Việt Nam đặt ra yêu cầu phải hội nhập về môi trường, tiếp cận quản lý môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. 

Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa chuyển thành ý thức và hành động. Nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tại cấp địa phương, cơ sở. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực trong xã hội chưa nhiều.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên là 2,7 triệu ha... 

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2022-2025, toàn ngành tài nguyên và môi trường tập trung triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương, người dân và doanh nghiệp để hướng dẫn kịp thời; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, hướng tới mục tiêu tiệm cận các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được sống trong môi trường tốt nhất; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đánh giá môi trường, đánh giá tác động đối với các dự án đầu tư phát triển nhằm sàng lọc dự án đầu tư và chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra ô nhiễm, nhất là các dự án có yếu tố nhạy cảm liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chuyển đổi đất rừng.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu bảo vệ môi trường trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, Chính phủ cần cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác như vốn vay, trái phiếu Chính phủ... để xây dựng, triển khai chương trình, dự án về môi trường nhằm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc hiện nay. 

Chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...; triển khai kế hoạch giám sát, xử lý khu vực, điểm nóng về môi trường; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; cần mở rộng mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn và thiết lập mạng lưới các cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung theo hướng liên vùng, liên tỉnh; áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tiếp tục thiết lập và quản lý bền vững khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước, cảnh quan thiên nhiên quan trọng... 

Theo Nhân Dân