Chủ nhật, 24/11/2024, 12:38[GMT+7]

Cục Biến đổi khí hậu: Việt Nam đã 5 lần kiểm kê quốc gia khí nhà kính

Thứ 6, 19/08/2022 | 08:15:38
1,215 lượt xem
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính, song do chưa có yêu cầu về báo cáo, thẩm định kết quả nên số liệu về lượng giảm phát thải chưa được thống kê đầy đủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+

Ngày 18/8, đại diện Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thời gian tới, các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được các bộ, ngành triển khai đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai.

Theo Cục Biến đổi khí hậu, kiểm kê quốc gia khí nhà kính là việc tính toán lượng khí nhà kính phát thải/hấp thụ trong một năm cụ thể (trước năm thực hiện tính toán) trên cơ sở thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải được thu thập, thống kê trong các lĩnh vực và hệ số phát thải, không phải theo các kịch bản,...

Triển khai quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016, phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu và đã gửi Ban Thư ký Công ước theo quy định.

Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính qua các kỳ, chưa tính lượng khí nhà kính giảm phát thải cho thấy: Năm 2000, Việt Nam đã kiểm kê được 150,9 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương); năm 2010 là 264,2 triệu tấn; năm 2013 là 259,0 triệu tấn; năm 2014 là 278,7 triệu tấn; năm 2016 là 316,7 triệu tấn.

Đại diện Cục Biến đổi khí hậu cũng lưu ý từ năm 2020 trở về trước, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, song Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai các hoạt động giảm phát thải thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, thông tin về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam được tổng hợp, thể hiện trong Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba của Việt Nam gửi Ban Thư ký Công ước, được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UNFCCC (https://unfccc.int/BURs).

Tuy nhiên, do chưa có yêu cầu về đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải khí nhà kính nên số liệu về lượng giảm phát thải chưa được thống kê đầy đủ.

Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính so với mức phát thải theo kịch bản phát triển thông thường quốc gia (BAU) đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng lĩnh vực.

Theo đó, các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai; hướng tới việc hoàn thành mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu Trái Đất../.

Theo Vietnam+