Chủ nhật, 24/11/2024, 12:55[GMT+7]

Xử lý rác thải nông nghiệp

Thứ 3, 23/08/2022 | 10:14:11
1,012 lượt xem
Thời gian qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long rất quan tâm việc xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao gói, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác thải nguy hại này còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện triệt để, ảnh hưởng lớn đến môi trường nông thôn.

Ảnh minh họa.

Việc sử dụng thuốc BVTV nhằm diệt dịch hại cho cây trồng, mang lại cho bà con mùa màng bội thu. Tuy nhiên, tác hại của loại chất này cùng với vỏ bao bì cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống cũng như sức khỏe của con người. Bởi vào mùa nắng nóng, rác thải thuốc BVTV không được xử lý đúng cách còn sót lại trong các chai, lọ, bao bì sẽ bốc lên mùi hôi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào lòng đất... gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí, thức ăn; là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người.

Hay trước mắt nhiều loại rác thải thuốc BVTV như chai lọ thủy tinh, nhôm không được xử lý đúng nơi quy định dễ gây ra sát thương khi bị giẫm đạp dẫn đến nhiễm trùng rất cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên, bởi nếu đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin. Sau khi được thu gom về các bể chứa, lưu chứa không quá 12 tháng, chủ nguồn phát thải nguy hại phải ký hợp đồng với cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để tiêu hủy.

Tuy nhiên, hiện nay, người dân ở những vùng chuyên sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tuân thủ những quy định về thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp mà đa số đều xả bừa bãi hoặc tự tiêu hủy bằng cách đốt. Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đời sống của chính con người. Trong thực tế, công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương về việc xử lý rác thải nông nghiệp theo đúng quy định vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, có những nông hộ chuyển sang mô hình sản xuất sinh học, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, nhưng không nhiều. Bình quân 1ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 0,5-1kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, còn đối với rau màu và cây ăn trái thì lượng rác thải ra có thể gấp hai lần.

Với diện tích sản xuất nông nghiệp của vùng, mỗi năm nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng rất lớn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, nhưng chỉ có rất ít được đốt hay bỏ vào các bể chứa do ngành chức năng, địa phương xây dựng, số còn lại vẫn còn thải xuống kênh mương chung quanh khu vực sản xuất.

Đơn cử như ở Hậu Giang, mỗi năm nông dân sử dụng hơn 1.870 tấn thuốc BVTV và thải ra môi trường hơn 74 tấn bao gói, vỏ chai. Thông qua các chương trình, dự án trên địa bàn và vận động vốn xã hội hóa, đến nay Hậu Giang đã xây dựng được hơn 1.450 bể chứa rác thải độc hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp; tổ chức các đội thu gom tập kết lại một điểm cố định, sau đó thuê công ty có chức năng chuyển đi tiêu hủy theo đúng quy định.

Tuy nhiên, số lượng rác thải độc hại được thu gom và xử lý đúng quy định còn rất hạn chế, chưa tới 10% lượng bao gói, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết tác hại của rác thải nông nghiệp nguy hại nên có tâm lý thờ ơ trong xử lý. Mặt khác, việc đầu tư kinh phí xây bể chứa rác thải nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Hiện nay ở Hậu Giang, khoảng cách 2 đến 3km mà chỉ có một bể chứa là quá ít. Một số người dân ở gần điểm đó chấp hành tốt, còn những người ở xa thì vẫn bỏ vương vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Chính vấn đề xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cũng là thách thức lớn với các xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Rõ ràng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư kinh phí cho công tác này. Căn cơ vẫn là nâng cao ý thức của người dân trong xử lý rác thải nguy hại. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức tập huấn cho nông dân về sử dụng an toàn thuốc BVTV và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cũng như lồng ghép xây dựng các mô hình sinh thái trên đồng ruộng.

Vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV và tạo thói quen tốt trong canh tác, thu gom vỏ chai, vỏ bao thuốc BVTV đúng quy định nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Cần xem công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Theo Nhân Dân