Thứ 3, 24/12/2024, 09:18[GMT+7]

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản của công viên địa chất

Thứ 7, 03/09/2022 | 18:53:02
1,545 lượt xem
Thành lập công viên địa chất, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản địa chất một cách tổng thể cùng các giá trị di sản khác là sự nghiệp chung của cả chính quyền các cấp lẫn cộng đồng ở Việt Nam.

Mùa hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Công viên địa chất là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đã phát huy được những ưu thế về các giá trị tự nhiên và xã hội, được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng, tích cực triển khai.

Xu hướng mới của khoa học địa chất

Công viên địa chất chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế; đồng thời là nơi hội tụ được các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả các giá trị đó cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách bền vững.”

Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong Công viên địa chất, góp phần làm tăng giá trị của Công viên địa chất hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng...).”

Ở Việt Nam, những bước đi đầu tiên hướng đến việc hình thành Công viên địa chất cũng đã được các nhà khoa học khởi động từ khá sớm. Đặc biệt, một số hoạt động của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với Đề tài Khoa học công nghệ cấp Nhà nước mã số KC.08.20/06-10 “Điều tra nghiên cứu các di sản địa chất và đề xuất xây dựng Công viên địa chất ở miền Bắc Việt Nam” (2007-2010); dự án hợp tác Việt Nam-Bỉ “Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển Công viên địa chấtở một số khu vực Đông Bắc Việt Nam” (2007-2013)...”

Theo Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong khoảng thời gian 2012-2014, Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản đã xây dựng đề cương Đề án của Chính phủ về “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam,” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 09/09/2014 tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg, dự kiến triển khai bắt đầu từ năm 2021.”

Từ năm 2009, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã thành lập Đầu mối quốc gia về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam đặt tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Đến năm 2016, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã nâng cấp Đầu mối quốc gia kể trên thành Tiểu ban Chuyên môn về công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam, với Chủ tịch Tiểu ban là Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Đồng thời cũng trong năm 2016, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam đã được thành lập, với thành viên là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác như Gia Lai, Phú Yên, Lào Cai, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế... cũng đang tiến hành những bước đi đầu tiên trong việc thành lập công viên địa chất và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Sau khi được công nhận công viên địa chất toàn cầu, doanh thu du lịch của những tỉnh kể trên đã có tăng trưởng rõ rệt, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội đáng kể.”

Theo các nhà khoa học, Phú Yên có di sản địa chất, địa mạo độc đáo, phản ánh các đặc trưng của đá biến chất cổ từ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước. Phú Yên còn mang bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc sắc với những công trình kiến trúc, các phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống và ẩm thực phong phú. Với vị trí địa lý và đặc điểm văn hóa như vậy, tỉnh Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô bền vững dựa trên danh hiệu Công viên địa chất, nhất là tại các địa phương như thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa, thành phố Tuy Hòa và một số đảo ven bờ biển thuộc tỉnh.”

Chỉ rõ hơn về đặc điểm di sản địa chất Phú Yên, Giám đốc Bảo tàng địa chất Việt Nam Trương Quang Quý cho biết qua khảo sát, Phú Yên có 60 di sản địa chất. Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng công viên địa chất Phú Yên và cao hơn nữa.”

Năm 2020, Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên” của Bộ Khoa học và Công nghệ được phê duyệt, tạo điều kiện cho tỉnh có thêm căn cứ khoa học triển khai Đề án Công viên địa chất. Đồng thời, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021 đưa nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất Phú Yên vào danh mục các nhiệm vụ dự kiến xây dựng mới để thực hiện đến năm 2030.

Việc thành lập, xây dựng và phát triển công viên địa chất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Yên, phát triển nhanh và bền vững du lịch trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh bền vững…

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Trong khuôn khổ Đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu kiến thức bản địa về di sản địa chất, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch ở một số công viên địa chất Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì cho thấy nghiên cứu tri thức địa phương về di sản địa chất ở một số công viên địa chất Việt Nam, vừa làm gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng các giá trị di sản ở những công viên địa chất này, vừa nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục cộng đồng về di sản và công viên địa chất. Trong đó có các di sản địa chất, là rất cần thiết, thiết thực đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.”

Chủ nhiệm đề tài, Thạc sỹ Đỗ Thị Yến Ngọc, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng mọi cộng đồng dân cư sinh sống ở những khu vực khác nhau trên Trái đất đều chịu sự chi phối của những đặc điểm, điều kiện tự nhiên của các khu vực đó trong mối tương tác với các quần thể sinh vật khác của cùng hệ sinh thái nơi họ cư trú. Điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa chất, trong đó có di sản địa chất và dẫn xuất của chúng là hệ sinh thái, quyết định đặc tính xã hội của các cộng đồng dân cư này. Họ có những hiểu biết về thế giới tự nhiên, tập tục xã hội, kỹ năng sống... đặc trưng, riêng có, phản ánh một cách rõ rệt đặc điểm môi trường tự nhiên nơi họ cư trú, được gọi chung là tri thức địa phương. ”

Từ kết quả nghiên cứu đề tài, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thuộc nhóm tác giả của đề tài cho rằng thành lập công viên địa chất, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản địa chất một cách tổng thể cùng các giá trị di sản khác là sự nghiệp chung của cả chính quyền các cấp lẫn cộng đồng.

Trong quá trình đó, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, qua đó bảo tồn và phát huy được giá trị của các loại hình di sản, là một trong những nội dung quan trọng nhất. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đầu tiên được Mạng lưới công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đặt ra là phải làm sao chuyển tải đến được cộng đồng những kiến thức, thông tin cần thiết, dưới dạng “giản lược, phổ thông hóa” bằng những phương thức đơn giản, hiệu quả.

Định cư ở một nơi hầu như chỉ có đá là đá, ngoài “thổ canh hốc đá” người dân địa phương nơi Cộng viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang còn sử dụng đá vào rất nhiều hoạt động sống khác, làm “hàng rào đá” quanh nhà, làm bậc thang, bậu cửa, chân cột, làm chậu tắm, bia mộ, đương nhiên là cả các công cụ lao động thời kỳ tiền sử cũng như làm vật liệu xây dựng thông thường thời nay..., làm nên cả một nền “văn hóa đá.”

Cột cở Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25/09/2010. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Vật liệu đá được con người ở nhiều địa phương khác, trong nước cũng như trên thế giới, sử dụng, nhưng có thể nói tri thức “thổ canh hốc đá” là đặc trưng, là riêng có trên Cao nguyên đá Đồng Văn, xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và trong tương lai là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, nói đến Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn còn phải nhắc tới tri thức của người Mông trong sử dụng di sản địa chất, tài nguyên địa chất-phương thức thổ canh hốc đá, làm hàng rào đá. Do địa hình nơi đây chủ yếu là núi đá vôi gồ ghề, hiểm trở, những diện tích có đất có thể canh tác được rất ít, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã thích ứng một cách hết sức sáng tạo bằng việc gùi đất đổ vào các hốc đá, kè nương đá-nhặt các mảnh đá rải rác trên mặt đất xếp lại thành những bờ rào ngăn xói mòn, rửa trôi đất.../.

Theo Vietnam+