Chủ nhật, 24/11/2024, 12:08[GMT+7]

Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 7, 08/10/2022 | 10:28:39
2,701 lượt xem
Với hơn 50km bờ biển, Thái Bình là một trong những tỉnh thuộc khu vực nhạy cảm về biến đổi khí hậu và có tính dễ tổn thương cao đối với nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới. Trước thực trạng đó, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trồng rừng ngập mặn tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh chủ động thực hiện nhiều nội dung lồng ghép mục tiêu ứng phó BĐKH với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kịch bản BĐKH, nước biển dâng được cập nhật thường xuyên. Các địa phương trong tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp để thích ứng với BĐKH; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư... Triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn; chú trọng rà soát, tổ chức quản lý quỹ đất công, đất rừng; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển nguồn thu từ đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khu dự trữ sinh quyển vùng biển huyện Tiền Hải, vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy, khu vực cồn Vành, cồn Đen. Xây dựng các điểm quan trắc nước biển ven bờ, thường xuyên thực hiện lấy mẫu, quan trắc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường nước biển ven bờ của tỉnh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước biển, bảo vệ sản xuất nuôi trồng thủy sản ở vùng bãi triều ven biển. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình hành động ứng phó với BĐKH; ban hành kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ngành thực hiện. Theo đó, mục tiêu chung hướng đến là tăng cường năng lực ứng phó BĐKH, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững; phòng, tránh và giảm thiểu hiểm họa do BĐKH gây ra. Thực hiện chiến lược quốc gia về BĐKH, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng về BĐKH...

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc thăm dò, cấp phép, khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước theo quy hoạch và theo quy định; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, từng bước chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài  nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trái phép; thực hiện tốt công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân, các ngành, các cấp về ứng phó với BĐKH và BVMT được nâng lên rõ rệt.

Thời gian qua, huyện Thái Thụy triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với BĐKH. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phạm Trung Kiên thì Thái Thụy là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH; vì vậy, hàng năm địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu về BĐKH và tăng trưởng xanh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hình thành ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH. Chủ động xây dựng phương án chống sạt lở ven sông, ven biển, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trồng, chăm sóc, khoanh nuôi phục hồi rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng và giảm phát thải khí nhà kính. UBND huyện chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá nhân, tổ chức đầu tư trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các đơn vị áp dụng biện pháp, công nghệ giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng. Tích cực vận động nguồn tài trợ để thực hiện các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn; nạo vét lòng sông, xây và củng cố đê biển, kè biển. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH, cùng với giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực dự báo, chủ động phòng ngừa thiên tai..., giải pháp hiệu quả và lâu dài vẫn là nâng cao ý thức trách nhiệm chung tay BVMT của cộng đồng.

Rừng ngập mặn Thái Thụy được phủ xanh. 

Minh Nguyệt