Thứ 5, 25/04/2024, 22:13[GMT+7]

Nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa

Thứ 5, 15/12/2022 | 08:19:19
4,838 lượt xem
Ô nhiễm từ rác thải nhựa đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều hoạt động thiết thực đã được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, mang lại hiệu quả.

Trẻ hào hứng với các đồ chơi được làm từ rác thải nhựa.

Một trong những đơn vị thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đặc biệt là việc xây dựng các mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đưa nội dung hướng dẫn, phân loại, xử lý rác hữu cơ vào lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội. Cùng với đó, việc tuyên truyền được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, lớp tập huấn chuyên đề với nội dung hướng dẫn quy trình phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình theo hướng cầm tay chỉ việc tới tận hộ gia đình. 

Trong tháng 11/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai 17 mô hình tại 17 thôn của 5 xã trên địa bàn các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy và thành phố Thái Bình. Mỗi mô hình có 50 gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ trong chi hội, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong thôn nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn môi trường bằng cách tự giác bỏ rác đúng nơi quy định; giảm thiểu nguồn rác thải ra môi trường, từng bước tạo cho người dân thói quen phân loại rác và dùng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải ngay tại gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Nguyễn Huệ, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) cho biết: Trung bình mỗi ngày gia đình 3 người của tôi phát sinh từ 3 - 4kg rác thải sinh hoạt. Vườn nhà rộng nên các loại rác thải tận dụng được tôi đổ ra góc vườn, sau khi hoai mục sẽ bón cho cây trồng. Rác không tái sử dụng được sẽ được đội thu gom rác thải của xã thu gom 3 lần/tuần.

Sở Giáo dục và Đào tạo phát động và chỉ đạo thực hiện các phong trào xây dựng mô hình tiên tiến, điển hình về bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó tập trung vào các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn, hóa chất hết hạn sử dụng trong thí nghiệm, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cơ sở giáo dục; tổ chức các hoạt động ngoại khóa và phát động các phong trào BVMT như “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày hội tái chế”, “Xanh trường, xanh lớp, xanh tương lai”... 

Đối với các cô giáo mầm non thì hoạt động tái chế rác thải nhựa làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ tại trường học rất ý nghĩa và thiết thực. Đó chính là những mảng xanh đầy hoa, cây cảnh từ khuôn viên nhà trường đến các phòng học đều được các cô giáo tạo nên từ chính những phế phẩm nhựa bỏ đi. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Để tạo ra phong trào thực sự hiệu quả, xuyên suốt, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ theo từng chủ đề. Bằng bàn tay khéo léo của các cô giáo, những sản phẩm, vật dụng bỏ đi, có hại cho môi trường xung quanh đã trở thành những đồ chơi có ích cho trẻ.

 Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, nhóm lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Vũ Hòa chia sẻ: Đối với mỗi chủ đề, giáo viên luôn chủ động phối hợp với phụ huynh thu gom những chai lọ, giấy, bìa carton, xăm, lốp xe... đã qua sử dụng để chế tạo thành đồ dùng, đồ chơi, sử dụng trong hoạt động vui chơi, giảng dạy, trưng bày góc phòng học, khuôn viên của trường, từ đó các con được trải nghiệm nhiều hơn, giúp các con hình thành kỹ năng BVMT.

Từ nhiều năm nay, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt ở thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt đã làm tốt việc phân loại rác trước khi đưa vào xử lý. Riêng rác thải nhựa được phân loại, thu gom rồi đưa về khu vực chế biến thành hạt nhựa cung cấp trên thị trường. Mỗi ngày nhà máy tiếp nhận khoảng 60 tấn rác thải sinh hoạt từ 16 xã trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Rác thải được phân loại, rác thải nhựa được đưa vào dây chuyền sản xuất hạt nhựa, rác hữu cơ chế biến thành phân bón. 

Ông Đỗ Chí Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt cho biết: Với mong muốn có những đóng góp cho xã hội trong việc BVMT, Công ty đã tập trung nghiên cứu, sáng chế thành công công nghệ xử lý triệt để rác không chôn lấp mang tên TTD-01. Sau 7 năm đi vào hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả. Chỉ với diện tích gần 2ha, bằng diện tích lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô một xã đã xử lý triệt để 60 tấn rác trong ngày, trong đó tái chế khoảng 1,5 tấn hạt nhựa từ rác thải.

Hy vọng, các mô hình, hoạt động chung tay giảm thiểu rác thải nhựa sẽ ngày càng phát triển trong cộng đồng, nâng cao ý thức của người dân về BVMT, hạn chế sử dụng và thải đồ dùng bằng nhựa, túi nilon ra môi trường.

Công nhân phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ).


Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày