Thứ 6, 24/01/2025, 02:46[GMT+7]

Trồng cây mùa xuân

Thứ 6, 27/01/2023 | 08:27:03
6,163 lượt xem
Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người phơi phới, tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Trồng rừng ngập mặn tại xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Phong trào trồng cây ở tỉnh ta gắn liền phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình VAC, mô hình chuyên canh, thâm canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Phong trào trồng cây xanh, cây bóng mát nơi công sở, công ty, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học... ngày càng được mở rộng. Thông qua tết trồng cây, hàng năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm nghìn cây phân tán, cây ăn quả các loại được trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Những ngày đầu năm mới, khu vườn ươm cây giống của gia đình ông Phan Văn Tý, xã Tân Hòa (Vũ Thư) tấp nập người ra vào chọn mua. Hàng trăm loại cây giống từ hoa đến cây ăn quả, cây công trình đều do ông Tý tự ươm, chiết. Ông chia sẻ: Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, thời tiết ấm áp, muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi. Trồng cây vào mùa xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Do đó, trong việc ươm, chiết cây giống, gia đình tôi chủ động thực hiện để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng cây. Vài năm trở lại đây, các trang trại, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp chuộng trồng xoài Đài Loan, vú sữa, cau...

Để phong trào trồng cây mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh và các địa phương đều tổ chức phát động tết trồng cây mùa xuân, quán triệt sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc trồng cây. Yêu cầu các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức tết trồng cây ở địa phương, đơn vị mình, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Căn cứ vào kế hoạch, các địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện tết trồng cây bảo đảm trồng cây nào sống cây ấy, gắn việc trồng với chăm sóc và bảo vệ để cây phát triển tốt; lựa chọn các loại cây trồng mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tích cực đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị tổng sản phẩm hàng năm; đa dạng các loại cây trồng, quy hoạch thành vùng thâm canh cao; tập trung cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó chú trọng cải tạo vườn nhãn chất lượng kém, nâng cao năng suất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyển chọn, cải tạo và nhân rộng các mô hình cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao, chọn giống và quan tâm khâu kỹ thuật thâm canh, khâu bảo vệ thực vật để tăng cường chất lượng cũng như mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn... đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Chung tay cùng cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh, Thái Bình đã triển khai kế hoạch tổ chức phong trào “Tết trồng cây” gắn với tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. 

Ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Thái Bình hiện có 4.283ha rừng. Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã tích cực tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có rừng thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống chặt phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Với trên 400ha rừng và khoảng 2.000ha bãi triều, xã Thụy Hải (Thái Thụy) là một trong những điểm sáng trong phong trào bảo vệ rừng ngập mặn. 

Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương duy trì đội bảo vệ rừng với 10 thành viên, hàng tháng tiến hành các đợt tuần tra, kiểm tra, nắm bắt biến động để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng cho người dân thường xuyên khai thác thủy sản từ rừng ngập mặn ký cam kết không phá rừng... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hiện tại nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, họ đã thấy rõ vai trò và tác dụng to lớn của hệ thống rừng phòng hộ ven biển trong việc chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, bảo vệ hệ thống đầm nuôi trồng thủy sản và bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển. Do đó không còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Thay vào đó, chính người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, người dân đã tận dụng khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng để có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống.

Gia đình ông Phan Văn Tý, xã Tân Hòa (Vũ Thư) chủ động chuẩn bị cây giống các loại phục vụ tết trồng cây.

“Mùa xuân là tết trồng cây - làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Phấn đấu trồng khoảng 1 triệu cây các loại, để thực hiện kế hoạch trồng cây năm nay đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương khi trồng cây ăn quả cần căn cứ đặc điểm, lợi thế tiểu khí hậu, đất đai, tập quán canh tác, thị trường để lựa chọn cây trồng phù hợp. Các địa phương cần quy hoạch, xây dựng những vùng trồng cây ăn quả chất lượng tốt, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: nhãn, vải, cây có múi, cây xanh tạo bóng mát, trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích phát triển các mô hình chuyên trồng cây ăn quả hoặc trang trại VAC. Đối với cây lấy gỗ, bóng mát bố trí địa bàn trồng phù hợp từng loại cây, bảo đảm cảnh quan môi trường, chỉ nên trồng ở đường giao thông, xung quanh các trụ sở cơ quan để tận dụng đất nên trồng cùng một loại cây ở mỗi tuyến đường. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả phong trào “Tết trồng cây” gắn với công tác trồng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên sản xuất các giống cây bản địa, các loài cây có năng suất, chất lượng cao, có tính chống chịu tốt để phục vụ trồng rừng đạt hiệu quả.


Lưu Ngần