Chủ nhật, 24/11/2024, 07:25[GMT+7]

Vũ Thư: Tích cực phân loại rác thải tại nguồn

Thứ 3, 21/02/2023 | 09:03:39
4,630 lượt xem
Cùng với sự phát triển của xã hội, rác thải sinh hoạt ngày một gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh việc xử lý rác thải còn nhiều khó khăn, huyện Vũ Thư đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế lượng rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.

Những thùng đựng rác có màu sắc khác nhau để phân loại rác thải tại một gia đình thôn Trà Động, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư).

Quá tải tại các bãi rác, lò đốt rác

Khu tập trung xử lý rác thải xã Nguyên Xá (trên cánh đồng thôn Kiến Xá) chứa những đống rác khổng lồ, rác hữu cơ lẫn lộn với rác vô cơ, ruồi nhặng và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. 

“Càng ngày lượng rác thải sinh hoạt ở địa phương càng tăng, tới mức bãi chôn lấp, xử lý rác thải của xã rộng hàng nghìn mét vuông nhiều thời điểm cũng không đủ sức chứa. Rác thải tăng do nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt tăng, tuy nhiên còn do ý thức của người dân. Hiện hầu hết các gia đình bỏ tất cả các loại rác, ngay cả rác hữu cơ đã bị phân hủy bốc mùi hôi thối vẫn gói lẫn cùng nilon, đồ nhựa rồi vứt ra cho chúng tôi thu gom. Nhiều người cho rằng đã đóng tiền thu gom rác thì cứ vứt rác thoải mái” - ông Phạm Văn Hoạt, thôn Tân Tiến Đức, người thu gom, xử lý rác thải tại xã Nguyên Xá hơn 14 năm chia sẻ.

Không riêng Nguyên Xá, hầu hết các xã, thị trấn ở Vũ Thư đều gặp tình trạng quá tải rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và tâm lý lo lắng, bức xúc cho người dân. Trong khi đó, hiện nay toàn huyện chỉ còn một vài lò đốt, xử lý rác còn hoạt động được, còn lại hầu hết đã bị hỏng, xuống cấp, rác thải được chuyển sang hình thức chôn lấp để xử lý. Tuy nhiên, để chôn lấp, các bãi rác phải có diện tích rộng và cần thời gian nhất định sau khi xử lý vôi bột, men vi sinh, lấp đất thì rác thải mới phân hủy được. Trong khi đó, nếu không phân loại rác thải tại nguồn dẫn đến tình trạng lượng rác thải dồn ra quá lớn, gây quá tải cho các bãi rác tập trung, đồng thời khó khăn cho việc xử lý rác thải tại các lò đốt rác, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng cuộc sống, tác động xấu đến sức khỏe người dân.

Tích cực phân loại rác thải tại nguồn

Thôn Trà Động, xã Dũng Nghĩa là một trong những thôn đã và đang thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi hướng dẫn các gia đình phân loại rác thải sinh hoạt làm 2 loại, rác vô cơ và rác hữu cơ. Những gia đình có vườn đất trống sẽ đào hố chứa rác thải hữu cơ, không có vườn đất trống tiến hành phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ vào 2 thùng đựng rác riêng biệt để tổ thu gom rác thuận lợi trong việc xử lý. Rác có thể tái chế như vỏ lon bia, nước ngọt, nhựa, sắt vụn, vận động bà con phân loại, tách riêng để ủng hộ mô hình “tiết kiệm từ phế liệu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động. Đánh giá bước đầu, việc phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Trà Động cho hiệu quả rất tích cực, lượng rác thải tập trung giảm khoảng 30%, việc thu gom, xử lý rác thải thuận lợi hơn. Đặc biệt, từ 400 hộ của thôn Trà Động, phong trào phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hiện đã lan tỏa trong toàn xã. Chúng tôi rất mong việc phân loại rác trở thành thói quen của mỗi hộ dân, góp phần bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận chia sẻ, từ 5 năm trước, gia đình bà đã thực hiện phân loại rác, xử lý rác tại hộ. Rác hữu cơ như rau, thức ăn thừa bà gom lại cho gà, cá hoặc đào hố chôn cạnh các gốc cây; rác thải khác như lá cây khô, giấy bìa, nilon được gom lại tại 1 chiếc bể gạch nhỏ trong vườn, mỗi tuần sẽ đốt 1 lần. Những đồ nhựa, sắt vụn gom lại, trước kia để bán phế liệu, hiện ủng hộ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

Để giảm thiểu số lượng và tạo thuận lợi trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, huyện Vũ Thư tích cực triển khai phân loại rác thải tại nguồn. 

Ông Trần Thanh Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Trong năm 2022, 2023, huyện khai thác, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ gần 1 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị, chế phẩm vi sinh cho 6 xã (Vũ Vân, Minh Lãng, Dũng Nghĩa, Tân Phong, Tân Hòa, Minh Quang) để triển khai thí điểm việc phân loại rác thải tại nguồn. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cấp hội phụ nữ và các xã tuyên truyền, hướng dẫn với mục tiêu thay đổi, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân trong phân loại, xử lý rác thải tại hộ. Nếu việc đầu tư xây dựng các lò đốt rác quy mô lớn, cho hiệu quả xử lý rác cao đòi hỏi nhiều yếu tố như mặt bằng, kinh phí, công nghệ kỹ thuật... thì việc phân loại và xử lý một phần rác thải tại nguồn không tốn quá nhiều chi phí nhưng mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm tải áp lực cho các bãi rác tập trung và thuận lợi hơn trong việc đốt, chôn lấp, xử lý rác, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư) luôn tiến hành phân loại và xử lý một phần rác thải tại hộ gia đình.

Quỳnh Lưu