Thứ 2, 23/12/2024, 21:49[GMT+7]

Công tác bảo vệ môi trường: Còn nhiều khó khăn

Thứ 6, 10/03/2023 | 21:46:26
6,606 lượt xem
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã đẩy mạnh kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm; kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường... Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Phụ nữ xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh  ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác BVMT. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan cùng UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như giờ trái đất, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Phối hợp tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động thiết thực về BVMT, không vứt rác bừa bãi; ra quân tổng vệ sinh môi trường, tráng lấp các bãi rác thải tự phát... Duy trì hoạt động quản lý số liệu quan trắc tự động, quan trắc đối chứng số liệu hiển thị tại các trạm quan trắc tự động cơ sở. Sở đã chủ trì rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại lập đăng ký cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp. Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề vẫn chưa được xử lý triệt để. 

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại nên gây khó khăn cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong việc tiếp cận được đơn vị vận chuyển, xử lý có đủ điều kiện. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý với các đơn vị ngoại tỉnh. Do vậy, công tác quản lý chất thải nguy hại gặp nhiều khó khăn, việc thống kê, quản lý và báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở còn hạn chế. Nhiều cơ sở thu gom không triệt để, chất thải nguy hại còn để ngoài trời, không có biện pháp che chắn hoặc lưu giữ cùng với chất thải sinh hoạt hay chất thải sản xuất thông thường. Trong quá trình hoạt động sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thường xuyên phát sinh khí thải, mỗi ngành sản xuất phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí đặc trưng theo từng loại hình công nghệ, khó xác định hết tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm nhưng chủ yếu vẫn là ô nhiễm bởi bụi trong sản xuất xi măng, thép, gốm sứ... và các loại khí thải SO2, CO, NOx.

Đối với công tác BVMT khu vực nông thôn cũng có nhiều cải thiện, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp được nâng lên. 100% các xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và hoạt động hiệu quả, với tần suất thu gom 2 - 3 lần/tuần.  Toàn tỉnh có 104 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp. Tuy nhiên, hiện 13 lò đốt đã dừng hoạt động, các lò đốt còn lại vẫn hoạt động nhưng xuống cấp, thường xuyên hư hỏng. Cùng với đó, các bãi chôn lấp cũng đã sử dụng gần hết diện tích quy hoạch. 

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải Vũ Thị Hồng cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 26 xã, thị trấn đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt kết hợp với chôn lấp, cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt phát sinh, tiết kiệm được quỹ đất chôn lấp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước; các xã còn lại áp dụng mô hình chôn lấp rác tổng hợp và ủ vi sinh. Tuy nhiên, sau 7 - 9 năm đi vào vận hành, nhiều lò đốt rác đã xuống cấp, hư hỏng; tỷ lệ đốt rác đạt thấp. Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà) cho biết: Mặc dù ý thức của người dân trong công tác BVMT ngày được nâng lên, rác thải không còn vứt bừa bãi ra đường, xuống sông nhưng việc xử lý rác thải chưa được triệt để. Hiện xã quy hoạch khu chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung với diện tích 1ha. Đã lấp đầy 2/3 diện tích, dự kiến đến năm 2025 sẽ lấp đầy. Khi đó bài toán về xử lý rác thải sẽ rất khó nếu không có giải pháp sớm.

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại nông thôn, tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ hiện đại và đang tập trung triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên vùng, liên huyện, toàn tỉnh. Tích cực vào cuộc tuyên truyền, quán triệt về tầm quan trọng của dự án nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân về quy hoạch, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Đức Dũng