Thứ 3, 23/04/2024, 17:44[GMT+7]

Ngày Khí tượng thế giới: Giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn biến đổi khí hậu

Thứ 4, 22/03/2023 | 21:07:34
1,954 lượt xem
Ngày Khí tượng thế giới là sự kiện thường niên của Liên hợp quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 23/3 để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng thế giới ngày 23/3/1920.

Cán bộ trạm khí tượng thực hiện nhiệm vụ quan trắc thời tiết.

Các chủ đề được chọn cho ngày Khí tượng thế giới phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc các vấn đề liên quan đến nước và nguồn nước. Bởi, thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan về nước đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhiều người trong chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa liên quan hơn bao giờ hết. Các hiểm họa này đang gia tăng do kết quả của sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường. Dưới tác động của thời tiết ngày càng khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra khủng hoảng lương thực, di dời và di cư cũng như mất an ninh kinh tế - xã hội. Ngày nay, những dự báo về thời tiết không còn là đủ, dự báo dựa trên các tác động thông tin cho công chúng về những gì thời tiết sẽ gây ra là rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Vì vậy, ngày Khí tượng thế giới năm 2023 diễn ra với chủ đề “Thời tiết, khí hậu và nước - tương lai qua các thế hệ”, hướng tới mục tiêu tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nơi dễ bị tổn thương nhất, có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cực đoan do thời tiết, khí hậu, nước và môi trường gây ra cho kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước, đến sự phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn. Vì vậy, việc cảnh báo và hành động sớm trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được duy trì và thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai. 

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình cho biết: Các quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến ngành khí tượng thủy văn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo. Do vậy, với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc dự báo thời tiết đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng khiến công tác khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người và tài sản. Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn. Những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam..., đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện tại, ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp giúp dự báo tốt hơn. Qua đó, đáp ứng được tốt hơn yêu cầu của các cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, góp phần giảm thiểu thiệt hại, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế  - xã hội của quốc gia.

Biến đổi khí hậu còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, dân tộc. Do đó, ngành khí tượng thủy văn cần tiếp tục nâng cao công nghệ dự báo, cảnh báo sát, sớm các hiện tượng khí hậu thủy văn nguy hiểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền dẫn thế hệ mới trong thu nhận, truyền phát thông tin khí tượng thủy văn.

Cán bộ Trạm khí tượng thực hiện nhiệm vụ quan trắc thời tiết.


Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày