Thứ 5, 25/04/2024, 03:27[GMT+7]

Đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện công nghệ cao: Lời giải cho bài toán rác thải nông thôn hiện nay

Thứ 2, 22/05/2023 | 08:42:42
3,990 lượt xem
Xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, bảo đảm cho nông thôn phát triển bền vững - câu chuyện tưởng nhỏ nhưng đang là vấn đề nổi cộm của nhiều địa phương, trong đó có Thái Bình. Cần phải làm gì để môi trường nông thôn luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan chuyên môn xung quanh vấn đề này.

Tọa đàm “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao - cần sự đồng thuận từ người dân”.

Video: 240423_-_Toa_dam_-_Xay_dung_nha_may_rac_CNC.mp4?_t=1682308265

 

Phóng viên: So với trước đây, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, tại một số địa phương lò đốt rác thải sinh hoạt đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. Cụ thể thực trạng này như thế nào, thưa ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái  Bình?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Thời gian qua, trước áp lực của lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, công tác thu gom, xử lý luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, UBND tỉnh đều có kế hoạch thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, cân đối, phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường cho các cấp (thu gom hỗ trợ 10.000 đồng/người/năm; xử lý công nghệ theo lò đốt 15.000 đồng/người/năm) góp phần thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cơ bản hình thành được hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH nông thôn, đô thị; giải quyết tạm thời các bức xúc do rác thải gây ra tại địa phương; nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung, công tác thu gom, xử lý CTRSH nói riêng. Tuy nhiên, do lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, trang thiết bị, năng lực thu gom còn hạn chế. Đối với các lò đốt quy mô nhỏ, tuổi thọ lò thấp, nhanh xuống cấp (chỉ vận hành tốt ở 2 năm đầu). Hầu hết các bãi chôn lấp được hình thành từ lâu; bản chất là các hố chôn được địa phương quy hoạch, đào để chứa rác, sau một thời gian lấp đầy sẽ đào thêm các hố ở khu đất bên cạnh để tiếp tục chôn lấp. Việc đào hố xây dựng khu chôn lấp hầu hết mang tính tự phát, không theo thiết kế và không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Do đó, vấn đề gây ô nhiễm môi trường các khu xử lý rác thải sinh hoạt có nơi, có lúc đã xảy ra, đáng báo động.

Phóng viên: Với những thông tin mà ông Hoàng Văn Ngoạn cho biết, theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thì cách xử lý rác thải sinh hoạt mà Thái Bình áp dụng có còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay?

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi: Cách xử lý rác thải của tỉnh Thái Bình hiện nay cần phải được thay đổi. Công nghệ lò đốt theo quy mô nhỏ không còn đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, chính đây là nguồn ô nhiễm khí thải, nước thải từ các khu xử lý rác thải tập trung quy mô xã, liên xã, làm chất lượng môi trường không được bảo đảm cho người dân xung quanh khu vực. Vì vậy, cần phải đầu tư các khu xử lý rác thải tập trung quy mô tiên tiến, hiện đại, bảo đảm an toàn môi trường đối với tất cả các thành phần khí, nước, đất và bảo đảm sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Thành Lam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thái Bình cần có những giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt?

Ông Nguyễn Thành Lam: Để giải được bài toán rác thải nông thôn hiện nay, tỉnh Thái Bình cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về hoạt động thu gom vận chuyển CTRSH, nhất là việc phân loại rác thải tại nguồn. Bao gồm rác thải được tái chế, rác thải thực phẩm và rác thải phải được xử lý bằng công nghệ đốt công nghệ cao hoặc công nghệ tiên tiến khác để giảm thiểu tối đa lượng rác thải phải chôn lấp. Tỉnh Thái Bình cũng cần nghiên cứu chuyển từ phí dịch vụ sang thu giá theo khối lượng, thể tích phát sinh để giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp. Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hoạt động của các khu xử lý CTRSH ở quy mô nhỏ cấp xã trong thời gian vừa qua. Trường hợp có những vi phạm, ô nhiễm môi trường, phải thực hiện đóng cửa, chuyển đổi công nghệ xử lý. Giảm dần việc chôn lấp sang xử lý rác thải tập trung công nghệ cao. Cùng với đó, Thái Bình cần tập trung nguồn lực để triển khai chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các dự án xử lý CTRSH sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Phóng viên: Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại nông thôn, tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ hiện đại như thế nào, thưa ông Hoàng Văn Ngoạn?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch mỗi huyện 1 điểm xử lý rác tập trung có diện tích từ 7 - 10ha theo quy định để thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải với quy mô toàn huyện, khuyến khích xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành yêu cầu về công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTRSH. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà đầu tư; đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Phóng viên: Qua câu trả lời của ông Hoàng Văn Ngoạn, ông Nguyễn Thành Lam nhận thấy chủ trương và cách làm mà tỉnh Thái Bình đang triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Lam: Việc lập, triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ hiện đại là chủ trương đúng của tỉnh Thái Bình theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tuyên truyền cho người dân thấy rõ tính ưu việt trong việc phân loại CTRSH tại hộ gia đình và các ưu điểm của công nghệ xử lý CTRSH phát điện. UBND các cấp lựa chọn cơ sở xử lý CTRSH thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng và đấu thầu. Khẩn trương triển khai các dự án xử lý CTRSH có công nghệ hiện đại đã được phê duyệt trên địa bàn; có cơ chế hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư trong việc chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải phát điện.

Phóng viên: Đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh là cần thiết vì quyền lợi của người dân và vì lợi ích của cộng đồng. Xin ông Hoàng Văn Ngoạn cho biết rõ về chủ trương, quan điểm của tỉnh về vấn đề này.

Ông Hoàng Văn Ngoạn: UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành tham mưu ban hành tiêu chí lựa chọn đầu tư lò đốt rác phát điện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đáp ứng được các tiêu chí về mặt kỹ thuật. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đi tham quan, học tập tại các nhà máy phát điện hiện có ở Việt Nam và các mô hình ở nước ngoài như ở tỉnh Cần Thơ, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội. Qua tham quan, trao đổi, nghiên cứu, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đầu tư nhà máy đốt rác phát điện tại thời điểm này sẽ tốt hơn, an toàn hơn những nhà máy phát điện hiện có trên toàn quốc. Nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, năng lực theo đúng quy định của pháp luật. Công nghệ phải được cấp có thẩm quyền thẩm định. Khi triển khai dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở sẽ cùng các sở, ngành phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ được cấp phép theo quy định. Trong quá trình hoạt động sẽ có hệ thống quan trắc online tự động hiển thị các thông tin hoạt động của nhà máy để người dân sở tại giám sát và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Sở tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sẽ hiển thị công khai số liệu tại một số khu vực công cộng để người dân trong tỉnh và những người quan tâm có thể truy cập, tiếp cận thông tin. Qua đó, người dân được kiểm tra, giám sát và tin tưởng, đồng thuận trong việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện công nghệ cao.

Phóng viên: Là chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực môi trường, xin Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi chia sẻ những lợi ích mà công nghệ đốt rác phát điện đem lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi: Công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến, an toàn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Hiện nay, các nước phát triển như Thụy Điển, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc cũng đang sử dụng phương pháp đốt rác nhưng tận dụng nhiệt sinh ra trong quá trình đốt để biến nó thành năng lượng phát điện. Qua đó đã biến rác thành tài nguyên, biến rác thành nguyên liệu cho một nhà máy phát điện. Sau khi đốt rác, lượng tro xỉ còn rất ít nên đã giảm được lượng rác đáng kể. Công nghệ đốt rác phát điện có thể vô hại hóa rác thải do rác thải được đốt ở nhiệt độ cao, có thể đốt hầu hết các chất, bao gồm cả một số chất có hại, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt tại các địa phương. Đồng thời, tiết kiệm tối đa diện tích đất chôn lấp rác theo phương pháp truyền thống, từ đó cải thiện môi trường sống cho người dân và nâng cao cảnh quan đô thị, nông thôn. Về mặt lợi ích kinh tế đã biến rác thành nguồn tài nguyên sản xuất ra điện và tổng hợp tái chế ra sản phẩm có ích cho cuộc sống.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông Hoàng Văn Ngoạn, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi và ông Nguyễn Thành Lam!

Đức Dũng
(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày