Thứ 2, 23/12/2024, 08:31[GMT+7]

Phụ nữ chống rác thải nhựa

Thứ 7, 12/08/2023 | 08:33:51
2,447 lượt xem
Sử dụng làn đi chợ hoặc thay thế các sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm thân thiện môi trường hay tận dụng, tái chế rác thải nhựa thành vật dụng trang trí, trồng cây... là những việc làm thiết thực chống rác thải nhựa của hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Đặc biệt, các chị em không chỉ tiên phong thực hành sống xanh mà còn biến rác thải thành tiền để gây quỹ an sinh.

Việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn

Hàng ngày, bà Vũ Thị Phương, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) đi chợ để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình. Dù đi chợ mua khá nhiều đồ và thực phẩm nhưng hầu như bà Phương không sử dụng túi nilon. Thay vào đó, trước khi đi, bà xách theo chiếc làn, trong đó có thêm hộp và cặp lồng để đựng đồ ăn sáng, còn các hộp để đựng thức ăn sống thì chỉ cần bỏ trực tiếp vào làn là được. Vì thế nhà bà giảm được lượng lớn rác thải nhựa so với trước kia. 

Bà Phương cho biết: Thời gian đầu khi thực hiện, tôi thấy bất tiện hơn so với thông thường, nhưng làm nhiều lần thành quen. Nhất là mỗi ngày, nhìn thùng rác sinh hoạt của gia đình tôi vơi hẳn đi vì giảm được túi nilon và rác thải nhựa, tôi thấy rất vui.

Việc phát làn nhựa cho chị em đi chợ ở một số địa phương của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình đã bước đầu hạn chế sử dụng túi nilon trên địa bàn. Mặt khác, việc mỗi hội viên xách làn nhựa đi chợ là hành động nhằm làm thay đổi thói quen giảm sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa trong cuộc sống hàng ngày, góp phần lan tỏa đến cộng đồng và xã hội trong việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Trong khi đó, tại các địa phương trong tỉnh, cán bộ, hội viên phụ nữ đã thu gom các chai lọ nhựa để bán phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em yếu thế. 

Bà Bùi Thị Tuất, xã Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết: Tôi nhặt các chai lọ nhựa, sách báo cũ để dành cho Chi hội Phụ nữ thôn gây quỹ. Việc đó làm cho nhà cửa, vườn tược sạch sẽ, gọn gàng và góp phần gây quỹ cho chi hội.

Thay đổi hành vi, xây dựng thói quen

Theo chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Muốn có hành vi tốt, trước hết phải có nhận thức tốt, đồng thời nói phải đi đôi với làm. Hành động chung tay giảm thiểu rác thải nhựa được cán bộ và tổ chức hội các cấp đi đầu, gương mẫu, tích cực thực hiện. Trong đó, cán bộ, các cấp hội hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát nhựa, cốc nhựa, hộp xốp... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Còn hội liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố và cơ sở, 5 năm qua phối hợp tổ chức 138 lớp truyền thông nâng cao kiến thức về hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần cho trên 16.000 hội viên, phụ nữ; tổ chức trên 300 lớp truyền thông kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường; kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm; cách phân loại, xử lý rác thải tại gia đình cho 46.150 hội viên, phụ nữ tham gia. Nhiều năm nay, các cấp hội phụ nữ đã gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thành lập các mô hình thiết thực như: hạn chế sử dụng túi nilon, xách làn đi chợ, biến rác thải nhựa thành tiền, thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình...

Theo chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thái Bình: Hội tổ chức truyền thông trên loa truyền thanh, mạng xã hội tới nhân dân, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, đã triển khai phong trào “Phụ nữ thành phố nói không với sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”, tại 19/19 xã, phường, cấp hơn 5.000 làn nhựa cho chị em.

Cơ sở may túi không dệt của chị Vũ Thị Hải Yến, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) cung cấp hàng chục nghìn sản phẩm ra thị trường, góp phần giảm việc sử dụng túi nilon.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon trong các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị An: Thực tế, vì tiện dụng nên nhiều người, có cả phụ nữ đã được phát làn nhựa vẫn dùng túi nilon. Để thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho cán bộ, hội viên và người dân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa, túi nilon là một quá trình cần phải làm thường xuyên, liên tục. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng các cấp hội mà của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Còn trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong thực hiện phong trào. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phân loại, thu gom, xử lý rác sinh hoạt tại gia đình ở một số cơ sở hội còn hạn chế. Một số mô hình hộ gia đình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, nhưng khi thu gom thì chưa được địa phương chỉ đạo thu gom riêng. Việc sử dụng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần tiện lợi và giá thành rẻ nên người dân vẫn còn sử dụng nhiều. Các mô hình về giảm thải rác thải nhựa còn ít và tính bền vững chưa cao.

Để thực hiện hiệu quả hơn phong trào “Chống rác thải nhựa”, theo chị Nguyễn Thị Minh Hiền, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tập trung truyền thông kiến thức bảo vệ môi trường nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ cơ sở; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động vận động phụ nữ sản xuất, kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; tiếp tục duy trì có hiệu quả các mô hình điểm về bảo vệ môi trường; phát hiện, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường.

Chi hội Phụ nữ thôn Lại Xá, xã Minh Lãng (Vũ Thư) gây quỹ hội giúp người yếu thế từ phế liệu.

Xuân Phương