Thứ 4, 01/05/2024, 18:46[GMT+7]

Giữ rừng cho biển thêm xanh Lá chắn xanh

Thứ 6, 01/09/2023 | 08:34:13
2,595 lượt xem
Cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt phần diện tích rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn, Thái Bình đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án trồng mới, trồng phục hồi, làm giàu những cánh RNM ven biển. RNM đang là “lá phổi xanh” góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy vai trò, chức năng phòng hộ và tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn người dân.

Rừng ngập mặn xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Trên 4.200ha rừng RNM trải dài ở các địa phương vùng ven biển Thái Bình không chỉ là những “lá chắn xanh” bảo vệ môi trường, dân cư và làng mạc, mà còn tạo nên cảnh quan du lịch sinh thái thơ mộng, đem lại sinh kế cho người dân sống trong vùng.

Bảo vệ dân cư, xóm làng

Với gần 4,2km đê biển, xã Đông Long (Tiền Hải) hiện có 400ha RNM và gần 200ha rừng mới trồng chưa thành rừng. Màu xanh mướt của cây bần, vẹt đang dần khỏa lấp những khoảng trắng sóng gió mênh mông ngoài biển khơi. Những cánh RNM nơi đây có hàng chục năm tuổi, cây cao từ 3 - 5m như “lá chắn xanh” làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn bão, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh RNM trên địa bàn, ông Đặng Văn Nhỡ, Đội trưởng Đội bảo vệ RNM xã Đông Long chia sẻ: Đông Long là xã ven biển của huyện Tiền Hải, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, thiên tai. Đã từng bị “xóa sổ” nhiều đầm nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân Đông Long hiểu hơn ai hết vai trò, giá trị của những cánh RNM trong việc phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, bảo vệ cộng đồng dân cư. Rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi để người sản xuất nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, RNM còn là nơi bao bọc cho hàng trăm tàu thuyền khai thác thủy sản của người dân trong vùng vào mùa mưa bão. 

Tuần tra bảo vệ rừng tại xã Đông Long (Tiền Hải).

Còn tại huyện Thái Thụy từ khi hàng nghìn ha RNM được trồng và phát triển xanh tốt cũng là lúc người dân ở những vùng ven biển có cuộc sống yên bình, không còn phải canh cánh nỗi lo về những trận triều cường, gió lốc khi vào mùa bão, hạn chế được xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước ngầm giúp bà con có thể sản xuất nông nghiệp. Nhờ chú trọng công tác bảo vệ và phát triển nên đến nay, toàn huyện có 2.600ha RNM, tập trung tại các xã ven biển: Thụy Trường, Thụy Hải, Thụy Xuân, Thái Đô, Thái Thượng. 

Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: Từ năm 1994 đến nay, xã được tiếp nhận nhiều dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án của Nhà nước và dự án của các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ đã giúp xã phát triển dải RNM với diện tích gần 500ha, trong đó có những cánh rừng rộng tới vài ki-lô-mét tạo thành vành đai vững chắc bảo vệ đê biển đi qua địa bàn, ngăn bão, triều cường, xâm nhập mặn...

Tạo tiền đề phát triển nuôi trồng thủy sản

RNM được người dân ví như “bức tường xanh”, “dải đê mềm” ngăn bão, gió hữu hiệu cho hàng nghìn ha đầm, giúp người dân hai huyện ven biển yên tâm nuôi trồng thủy hải sản và làm giàu từ biển. 

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tiền Hải có 23km bờ biển, 3 cửa sông lớn đổ ra biển. Với đặc điểm và điều kiện tự nhiên có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, Tiền Hải cũng gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, Tiền Hải đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân tham gia tích cực trồng cây, bảo vệ rừng. Việc trồng, bảo vệ RNM ven biển có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi trồng, đồng thời góp phần bảo vệ các dải đê chắn sóng, giúp các cư dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.

Nông dân huyện Thái Thụy khai thác hải sản từ rừng ngập mặn.

Sinh kế từ những cánh rừng 

RNM còn có nguồn lợi thủy sản vô tận, tạo sinh kế cho cuộc sống của hàng nghìn người dân sinh sống tại các vùng ven biển. Tại xã Thụy Trường (Thái Thụy) hiện nay có hàng trăm lao động chuyên làm nghề săn bắt thủy hải sản trong các cánh RNM. Từ công việc này đã giúp người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. 

Chị Nguyễn Thị Phương, người dân xã Thụy Trường chia sẻ: Nhờ có RNM mà đời sống của người dân được ổn định. Chúng tôi mừng vì rừng nuôi sống chúng tôi. Trước đây gia đình tôi nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào đi biển nên thu nhập bấp bênh. Hàng ngày, tôi và nhiều người dân khác trong xã vào rừng bắt tôm, cua, cá... Trung bình mỗi ngày thu được từ 200.000 - 300.000 đồng đủ để trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học.

Ông Đổng Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy Trường cho biết: Từ khi có rừng, địa phương đã thay đổi rất nhiều, thay đổi từ cuộc sống của người dân đến thay đổi hệ sinh thái ở nơi đây. Cứ chiều đến, nhìn từng đàn cò, đàn chim lại tíu tít bay liệng trên bầu trời mà thấy bình yên đến thế. Không chỉ mang lại thu nhập cho người đánh bắt thủy hải sản mà rừng còn mang lại nguồn thu từ phấn hoa cho người nuôi ong ở khắp nơi đổ về đây.

Không chỉ là lá chắn bảo vệ người dân ven biển, RNM tại xã Thụy Trường còn là nơi cảnh đẹp nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến khám phá. RNM Thụy Trường có diện tích trên 1.400 ha với hệ sinh thái động thực vật đa dạng. Đây là nơi trú ngụ của 500 loài động vật thủy sinh, và 200 loài chim các loại trong đó có nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong sách Đỏ thế giới tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn thích hợp phát triển du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan, nghiên cứu, khám phá, trải nghiệm. Vào mùa hè, đây không chỉ là điểm dừng chân xả hơi, thư giãn mà còn là điểm check-in độc đáo được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 

Tỉnh Thái Bình hiện có 4.248,06 ha rừng ven biển, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng với các loài cây ngập mặn chiếm đa số (95% diện tích). RNM vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò chắn sóng phòng hộ ven biển: bảo vệ các công trình đê điều, cơ sở hạ tầng ven biển, nhà cửa, đầm nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của cư dân ven biển... góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Huyện Thái Thụy hiện có hơn 4.300ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ là 2.710ha. Nhờ có RNM mà nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ ven biển trên địa bàn huyện được bảo vệ trước mùa mưa bão, từ đó góp phần vào thành quả nuôi trồng thủy hải sản của huyện. Năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện đạt trên 60.000 tấn, giá trị đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. 

 

Ông Đào Ngọc Hùng, thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải (Thái Thụy)

Từ khi có RNM, người dân ven biển xã Thụy Hải sống yên tâm hơn, không lo sợ sóng gió như trước kia. Đê biển có rừng bảo vệ, vững chắc không thua kém bê tông. RNM không chỉ  như “lá chắn xanh” bảo vệ đê biển, nhà cửa, ao đầm nuôi trồng thủy sản mà đây còn là nơi có nguồn lợi thủy sản dồi dào cho ngư dân ven biển mưu sinh bằng các nghề nuôi, đánh bắt cua, cáy, ngao, từ đó mang lại thu nhập, cải thiện đời sống. 

(Còn nữa)

Trần Tuấn – Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày