Thứ 4, 01/05/2024, 09:15[GMT+7]

Giữ rừng cho biển thêm xanh Nhân lên giá trị xanh

Thứ 7, 02/09/2023 | 07:02:32
2,705 lượt xem
Rừng ngập mặn (RNM) đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống người dân ven biển và hứa hẹn tạo ra những tiềm năng mới. Người dân đã và đang chung tay bảo vệ, phát triển loại hình rừng này, góp phần chống biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến phức tạp.

Trồng rừng ngập mặn xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Thức – ngủ cùng rừng

Tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải), không ai không biết đến ông Vũ Văn Tưởng, người thương binh hạng 1/4 gắn bó với RNM của xã gần 30 năm qua.

Dẫn chúng tôi ra cánh rừng xanh ngắt, ông Tưởng chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã phải chứng kiến cảnh thiên tai tàn phá vùng quê, mỗi khi có bão, hàng trăm hộ phải di dời, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Không có rừng, vùng cửa biển luôn bị ảnh hưởng bởi triều cường, có chỗ bị bào mòn đến chân đê. Thế nhưng từ ngày RNM phát triển, mọi việc đã thay đổi. Rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi rất màu mỡ.

Năm 1995, xã Đông Hoàng có chủ trương khoán trông coi rừng, ông Tưởng đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu 30ha trồng phi lao, ươm cây giống và trông coi 120ha RNM của địa phương. Những ngày đầu khi nhận khoán, trông coi rừng, cha con ông Tưởng phải tuần tra suốt đêm, lấy tính mạng của mình để bảo vệ những cánh rừng đang vươn ra biển.

“Họ chặt phá rừng lấy đất nuôi thả thủy sản hoặc làm củi đun. Tôi tham mưu giải pháp bảo vệ rừng cho xã, tuyên truyền tới từng gia đình. Vừa nghiêm túc xử lý, vừa vận động, tuyên truyền, dần dần bà con hiểu được ý nghĩa, vai trò của RNM nên không còn hiện tượng lén lút vào rừng chặt phá nữa" - Ông Tưởng cho biết.

Ông Vũ Văn Tưởng, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) gắn bó với rừng ngập mặn gần 30 năm.

394,7ha RNM của xã Nam Thịnh (Tiền Hải) trải dài trên 5km bờ biển được chia thành 4 khoảnh. Đội Bảo vệ rừng xã Nam Thịnh gồm 4 người, mỗi người được giao phụ trách một khoảnh rừng để nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, các thành viên trong đội chia thành 2 tổ thường xuyên tuần tra, kiểm tra theo lịch con nước, ít nhất 2 lần/tháng vào tận lõi rừng.

Ông Nguyễn Quang Tạo, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng xã Nam Thịnh cho biết: Lực lượng tuần tra, kiểm tra mỏng trong khi RNM trải dài trên 5km, rộng từ 200 – 1.000m nên chúng tôi xác định phát huy vai trò của người dân, coi họ là chủ thể là cách làm hiệu quả trong bảo vệ rừng hiện nay. Ngoài việc trực tiếp tuần tra, kiểm tra, chúng tôi nắm bắt tình hình, diễn biến rừng thông qua những người dân hàng ngày khai thác thủy sản trong RNM bởi đây là những người hiểu rõ hơn hết những ý nghĩa của rừng đem lại với cuộc sống, sinh kế của người dân. Khi đã thấy được lợi ích của RNM thì mọi người dân ở đây đều có trách nhiệm bảo vệ, coi đó là tài sản chung. 

Ông Vũ Văn Hoàn, người dân xã Nam Thịnh cho biết: Người dân chúng tôi đi bắt ốc, câu cáy trong rừng hàng ngày. Thấy dưới gốc cây có nhiều cây con, sống dày quá thì chúng tôi đưa ra chỗ trống, chỗ thưa chưa có cây để phủ kín đất trống. Người dân muốn bắt được hải sản thì phải trồng cây, bởi tôm cua có chỗ trú thì mới sinh sôi nảy nở được.

Các địa phương ven biển Thái Bình đã và đang thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ rừng, chống chặt phá, chống khai thác hải sản tận diệt, đẩy mạnh công tác trồng RNM. Từ sự thay đổi nhận thức của người dân, những cánh RNM ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tạo thành những “lá chắn xanh” bảo vệ hiệu quả cho những tuyến đê biển, cho làng mạc, dân cư và sinh kế cho nhân dân các vùng ven biển.

 Người dân xã Đông Long (Tiền Hải) vận cây giống chuẩn bị trồng rừng.

Chung tay bảo vệ rừng

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, tỉnh Thái Bình hiện có 4.248,06 ha rừng ven biển phân bố tại 12 xã ven biển của hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Nhận thức được tầm quan trọng của RNM trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian qua, đã có nhiều chương trình, dự án trồng rừng được triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần gia tăng đáng kể diện tích, chất lượng rừng. Từ năm 1990 đến nay, RNM được trồng thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp như Chương trình 327, Chương trình 661 - 5 triệu ha rừng, Dự án PAM 5325… Những năm gần đây, Thái Bình tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nhiều dự án phục hồi và phát triển RNM do trung ương và các tổ chức nước ngoài tài trợ như Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM ven biển tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 160ha; Dự án Phục hồi và phát triển RNM ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 468ha; dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng RNM bảo vệ đê biển 5 và 6 tỉnh Thái Bình, quy mô trồng mới và trồng bổ sung 146,1ha… Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển được nâng cao rõ rệt. Từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng ven biển của tỉnh đã tăng 539ha (từ 3.709 ha năm 2015 lên 4.248,06 ha năm 2022).

Đến nay, độ che phủ rừng của Thái Bình đạt 2,49%. Những vùng ngập mặn ven biển được phủ xanh bởi những cánh rừng sú, vẹt, bần chua và hàng trăm ha rừng đang tiếp tục được triển khai trồng mới. Những giá trị xanh từ trồng và bảo vệ RNM cứ thế được nhân lên theo thời gian, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đất ngập nước và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ven biển.

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình

Để duy trì và phát triển RNM, ngành chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, bảo vệ và phát triển RNM ven biển gắn với quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và mọi người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, cũng như vai trò của rừng ven biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.


Ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình

Chính quyền địa phương và người dân vùng dự án đã nhận thấy hiệu quả thiết thực của việc trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM. Những kết quả của dự án đã giúp địa phương và nhân dân vùng ven biển của tỉnh tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, đối với diện tích rừng trồng, ngành sẽ phối hợp với cộng đồng cư dân chăm sóc tốt, để RNM phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Trọng Phà, xã Thụy Xuân (Thái Thụy)

Từ năm 2016 đến nay, tôi đã tham gia trồng bổ sung hàng chục ha RNM. Đặc biệt, khi xã Thụy Xuân được tham gia dự án Phục hồi và Phát triển bền vững hệ sinh thái RNM tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, tôi được giao làm tổ trưởng của nhóm cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ RNM. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của rừng, công tác bảo vệ tài nguyên rừng; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; xây dựng các bài viết phát trên hệ thống truyền thanh xã... nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của rừng.


(Còn nữa)

Lưu Ngần-Trần Tuấn 

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày