Về việc xác định quy mô diện tích, vị trí và ranh giới rừng đặc dụng huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí phản ánh về việc: Thái Bình có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải; sau khi xác lập, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, đã gần như loại bỏ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô diện tích từ 12.500ha xuống còn 1.320ha; Thái Bình coi trọng phát triển kinh tế không coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái; Thái Bình đang không quan tâm đến người dân, giảm diện tích rừng làm mất sinh kế của người dân.
Sau khi làm việc, thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin làm rõ như sau:
Với đặc điểm là vùng biển bồi, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, trước những năm 1980 vùng ven biển tỉnh Thái Bình chủ yếu là bãi triều ngập nước, hầu hết các diện tích ngập nước trở thành nơi sinh kế, nuôi trồng thủy sản, một số khu vực được bồi tụ phù sa có tiềm năng để trồng rừng ngập mặn.
Năm 2014, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước... tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 phê duyệt Đề án xác lập diện tích rừng ngập mặn có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn này chỉ mang tính định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc có tác dụng định hướng để tỉnh tìm nguồn lực, xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển rừng. Với diện tích tạm tính ban đầu là 12.500ha được kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau, cụ thể: (1) theo Quyết định số 660/KH ngày 4/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp, tại mực nước biển ở cao trình 0,00m là 12.500ha (2) theo Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ, diện tích là 3.245ha; (3) theo Quyết định số 467/QĐ-UBQG UNESCO ngày 26/7/2013 được UNESCO công nhận là 7.067ha thuộc vùng lõi 2 Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; (4) theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 là 3.245ha; (5) theo Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 16/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình 2012 - 2020 là 3.583,4ha. Vị trí và ranh giới khu rừng chưa có sự đồng nhất: Vị trí theo tọa độ địa lý và vị trí theo mô tả bằng lời không trùng khớp, không có bản đồ kèm theo.
Do có sự sai khác về vị trí và diện tích chưa được đo đạc và tính toán một cách cụ thể, khoa học nên tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 2159/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có nêu: “Sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu rừng. Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích Khu rừng đặc dụng này”. Vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí.
Trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình rất trân trọng và sử dụng đúng mục đích, tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004, coi trọng công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế tạo sinh kế cho người dân ven biển, cụ thể:
- Chú trọng việc bảo tồn và sử dụng có hiệu quả toàn bộ diện tích vùng đất ngập nước được UNESCO công nhận trên địa bàn huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải cũng như khu vực ngoài biển khơi cách bờ biển 6 hải lý; duy trì, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản trên khu vực bãi triều ven biển gắn bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai có hiệu quả tạo sinh kế cho người dân ven biển. Xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng khoảng 2.000/4.300ha rừng để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn; xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng. Thường xuyên trang bị các kiến thức về khoa học, sản xuất nông nghiệp bền vững, canh tác cây trồng và nuôi trồng thủy sản theo hướng giảm phát thải khí nhà kính và thuận theo tự nhiên tại các vùng cửa sông, bãi bồi (nuôi ngao 2.800ha; nuôi rươi, nuôi cáy gần 1.000ha) để bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực được UNESCO đã công nhận, đồng thời góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân ven biển, ven cửa sông. Hàng năm tổ chức các hoạt động thiết thực để hưởng ứng ngày Đất ngập nước; năm 2023, tỉnh Thái Bình phối hợp cùng với Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí tổ chức phát động trồng rừng tại xã Thụy Hải và đã trồng 30.000 cây rừng tại các vùng đất ngập nước.
- Dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển; thực hiện việc cắm mốc, phân loại rừng. Mặc dù việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm, từ 3.709ha rừng năm 2015 đến nay tỉnh Thái Bình đã có gần 4.300ha rừng đáp ứng đủ các tiêu chí của rừng phòng hộ và đặc dụng giúp phòng, chống thiên tai có hiệu quả và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái vùng ven biển, tạo sinh kế cho nhiều người dân ven biển. Những năm tới, Thái Bình tiếp tục trồng và tới năm 2030 trồng thêm hơn 1.000ha rừng.
Năm 2015, căn cứ Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát và đưa Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vào danh mục các khu bảo tồn tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT trên cơ sở Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vào danh mục các khu rừng đặc dụng tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 là 12.500ha.
Trước sự biến đổi của khí hậu, dòng chảy khu vực cửa Ba Lạt bị thay đổi, hiện tượng sạt lở bãi bồi xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Cồn Thủ, Cồn Vành, sự đa dạng về sinh học khu vực này cũng thay đổi theo, các loài sinh vật đặc hữu di chuyển về khu vực bãi bồi của huyện Thái Thụy. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, năm 2019 tỉnh Thái Bình đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các tổ chức quốc tế hình thành được Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy với diện tích 6.560ha (trong đó có phần diện tích rừng ngập mặn là 1.131ha). Đây chính là một kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện Quyết định số 2159/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy cũng đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở phía Bắc nước ta. Sinh kế của người dân ven biển ngày càng bền vững hơn, đã hình thành nhiều loại hình sản xuất, nuôi trồng, khai thác dưới tán rừng, trên các bãi triều.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500ha. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành trung ương xây dựng, thẩm định trên các sở cứ khoa học và thực tiễn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Bình; đảm bảo khoa học, khách quan giữa giữ gìn, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; đảm bảo lợi ích toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn để tỉnh Thái Bình phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó chỉ rõ các diện tích, phân khu để tập trung bảo vệ và phát triển rừng, xác lập các diện tích bảo tồn đa dạng sinh học... Có thể nói, định hướng phát triển Thái Bình là sự kết hợp hài hòa giữa gìn giữ, bảo tồn và phát triển.
Để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển được quy hoạch cho Khu kinh tế, trong đó có Khu rừng đặc dụng được tỉnh phê duyệt đề án xác lập vào năm 2014, phần diện tích đất lâm nghiệp được đưa vào quy hoạch cho phát triển kinh tế chủ yếu là đất đầm ao nuôi thủy sản, sông lạch, cồn cát nơi có cây rừng thưa thớt, manh mún không đáp ứng các tiêu chí rừng đặc dụng và phòng hộ, nhiều vị trí bị xói lở rất khó khăn cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong 3 năm qua, tỉnh Thái Bình đã khẩn trương cụ thể hóa, triển khai trên thực địa các định hướng phát triển Khu kinh tế Thái Bình. Các khu công nghiệp được xây dựng và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Các phân khu chức năng nhanh chóng được hình thành. Diện tích rừng ngập mặn tập trung và khu bảo tồn tiếp tục được đầu tư và nâng cao chất lượng. Từ năm 2019 đến nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh được phân lô, cắm mốc xác định rõ vị trí và diện tích của từng địa phương, thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng; công tác quản lý bảo vệ rừng được coi trọng, không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa triển khai bất kỳ dự án nào liên quan đến rừng và đất rừng.
Căn cứ Quyết định số 1486/QĐ-TTg, tại Điều 2 “Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình”, trong Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT, Quyết định số 2159/QĐ-UBND đều đề ra nhiệm vụ phải tiến hành xác lập cụ thể và khoanh định trên thực địa diện tích rừng và khu bảo tồn thiên nhiên. Một trong số các quy hoạch phải điều chỉnh để tránh chồng lấn với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg là Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020 và Khu rừng đặc dụng được tỉnh phê duyệt đề án xác lập tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014. Căn cứ Nghị quyết 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 28/3/2023 điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020 và Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 xác định cụ thể diện tích rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Quá trình lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020 được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hồ sơ điều chỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến; trên cơ sở Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 15/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, ngày 28/3/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020. Quyết định số 731/QĐ-UBND xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới Khu rừng đặc dụng tại khu vực ngoài đê biển thuộc ba xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải; ranh giới được xác định 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38; quy mô diện tích 1.320ha. Đây là khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh nên rất thuận lợi để thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng; vị trí này nằm ở cuối sông Hồng lấp, có hệ thống sông lạch đan xen, nước thủy triều lên xuống tự nhiên đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây rừng và các loài sinh vật khác sinh sôi, phát triển. Quyết định số 731/QĐ-UBND chính thức xác định cụ thể, rõ ràng vị trí, ranh giới quy mô diện tích đúng quy định của Khu rừng đặc dụng, bao gồm diện tích rừng hiện tại và diện tích đất khả thi, phù hợp để phát triển rừng trong những năm tới theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp; đồng thời là một trong những bước triển khai thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 731/QĐ-UBND không thay thế Quyết định số 2159/QĐ-UBND và càng không phải là việc xóa sổ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Do quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nhiều nguồn số liệu khác nhau (kế thừa số liệu từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 là 12.500ha, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 là 3.245ha, Quyết định số 2159/QĐ-UBND là 12.500ha); tuy nhiên kiểm tra thực tế có sai lệch tọa độ và vị trí (theo tọa độ thì có 4.301ha), vị trí không nằm trong các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cần được nghiên cứu, điều tra, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và phân định để bảo vệ, bảo tồn trên toàn bộ vùng biển Thái Bình.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo đó quan điểm xuyên suốt của tỉnh “Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa; đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được liên tục phát triển bài bản, khoa học.
Tỉnh Thái Bình đánh giá rất cao và trân trọng tiếp thu các thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông thời gian qua, nhất là đối với các thông tin mang tính xây dựng, góp ý cho tỉnh. Đặc biệt, một số chuyên gia, nhà khoa học đã có cái nhìn khách quan, khoa học, thực tiễn lịch sử về vấn đề. Tỉnh Thái Bình trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông chia sẻ với tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội, tránh đưa thông tin gây hoang mang, hiểu lầm trong nhân dân.
Tỉnh Thái Bình trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông và luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu ấy để tỉnh nhanh chóng phát triển trở thành tỉnh giàu mạnh trong thời gian tới.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Đông Hưng: Bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 18.10.2024 | 20:24 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Cần sớm xử lý vi phạm bến bãi khu vực cầu NghìnKỳ 1: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa 05.09.2024 | 08:52 AM
- Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường 23.08.2024 | 08:13 AM
- Thành phố: Xử lý ô nhiễm từ các bãi rác tự phát sau phản ánh của Báo Thái Bình 15.08.2024 | 14:59 PM
- Thành phố: Nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường 03.08.2024 | 19:08 PM
- Bàn giao máy băm phụ phẩm nông nghiệp và thùng đựng rác cho hội viên, nông dân 17.06.2024 | 18:06 PM
- Tiền Hải: Chỉ đạo di dời khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở xã Nam Trung 17.05.2024 | 08:51 AM
- Công ty Điện lực Thái Bình: Tổ chức lễ phát động hưởng ứng Giờ Trái đất 22.03.2024 | 15:50 PM
- Công viên xanh giữa lòng thành phố 13.02.2024 | 21:05 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai