Thứ 4, 15/01/2025, 23:45[GMT+7]

Cần bảo vệ những dòng sông trong lòng thành phố

Thứ 3, 24/10/2023 | 08:22:36
6,977 lượt xem
Thành phố Thái Bình có nhiều sông như Trà Lý, Vĩnh Trà, 3-2, Pari, Bồ Xuyên, Đoan Túc… tạo cảnh quan thiên nhiên cho đô thị. Nhưng hiện nay nhiều sông đang bị ô nhiễm.

Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình thu vớt rác trên sông Vĩnh Trà.

Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống người dân không ngừng được nâng lên thì lượng rác thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ngày càng nhiều, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị. Điều dễ nhận thấy là thực trạng xả nước, rác thải... của người dân khiến một số con sông bị ô nhiễm, nhất là những sông gần chợ thì rác thải xả xuống sông tràn lan. Bà Phạm Thị Liễu, người dân sống ở khu vực cầu Kiến Xương bức xúc: Nhà tôi ở mặt đường Lý Thái Tổ, nhìn ra sông Vĩnh Trà nên chứng kiến nhiều người rất thiếu ý thức, xả rác bừa bãi xuống sông, gây ô nhiễm môi trường.

Sông Đoan Túc với điểm đầu là cống Nhân Thanh chảy qua các tổ dân phố của phường Tiền Phong, cụm công nghiệp Phong Phú ra điểm cuối với sông Bạch tại cầu Mùa, phường Phú Khánh. Khu vực phường Tiền Phong chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố nên sông Đoan Túc tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của người dân, do đó nhiều thời điểm nước sông có màu đen, mùi hôi thối. Trước thực trạng đó, để bảo vệ chất lượng nguồn nước, môi trường, đồng thời giữ gìn vẻ đẹp của dòng sông, thành phố đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý chất thải nhựa. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, xây dựng thành phố hiện đại, văn minh. UBND thành phố đã dành nguồn ngân sách thường xuyên nạo vét các sông; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, thực hiện thu gom và xử lý nước thải cho các phường nội thành theo công nghệ sinh học, công suất xử lý 10.000m3/ngày đêm.

Thành phố Thái Bình hiện có 8 dòng sông được quy hoạch giữa lòng thành phố, gồm: Trà Lý, Bồ Xuyên, Vĩnh Trà, 3-2, Pari, Đoan Túc, Tống Thỏ, Trục với tổng chiều dài hơn 18km. Tất cả các dòng sông đều đã được thành phố đầu tư chỉnh trang, xây kè lát mái, hai bên bờ sông được trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường từ nhiều năm nay, giao Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình đảm nhiệm việc thu vớt rác, làm cỏ taluy thành sông. 

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Đội trưởng Đội cống, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình cho biết: Đội có 20 công nhân được phân công phụ trách 8 con sông. Hàng ngày công nhân tổ chức thu vớt rác và nhặt cỏ ở chân kè hai bên bờ sông. Mặc dù ngày nào công nhân vệ sinh cũng thu vớt rác, bất kể trời nắng hay mưa nhưng rác vẫn cứ nhiều và tỷ lệ thuận với sự phát triển của đô thị. Trung bình mỗi ngày lượng rác thải thu vớt được ở mỗi dòng sông từ 2 - 4 khối, cao điểm lượng rác gấp 2 - 3 lần, nhất là vào dịp lễ, tết hay ở những đoạn sông có đông dân cư sinh sống, gần chợ. Rác thải đủ loại, từ lá cây, túi nilon, vỏ bánh kẹo... do chính những người dân thành phố, nhất là những người sinh sống, buôn bán rau, hoa quả, kinh doanh hàng ăn ở hai bên bờ sông xả xuống. Qua đó có thể thấy ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của nhiều người còn rất hạn chế. 

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, công nhân Đội cống, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình, phụ trách tuyến sông Vĩnh Trà chia sẻ: Công việc của chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng với mong muốn các dòng sông luôn được xanh, sạch, đẹp. Nếu người dân có ý thức hơn thì chúng tôi cũng đỡ vất vả.

Rác trên sông.

Công tác thu vớt rác, rau bèo trên các dòng sông đã góp phần trả lại vẻ đẹp vốn có cho các sông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay còn một số hạn chế nhất định như phương tiện, thiết bị thu vớt rác còn thô sơ, sử dụng nhiều lao động thủ công, hiệu quả và năng suất chưa cao... Để phát huy hiệu quả lâu dài cần phải được tiến hành thường xuyên, tăng tần suất thực hiện. Bên cạnh đó, có sự phối hợp nhịp nhàng của cả cộng đồng và mỗi người dân, đẩy mạnh việc tuyên truyền về tầm quan trọng của nguồn nước, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen xả rác bừa bãi... Những việc làm đó thể hiện ý thức làm chủ và thực hiện nếp sống văn minh của người dân thành phố, cùng chung tay bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị, góp sức xây dựng thành phố ngày càng sạch, đẹp.


Minh Nguyệt