Thứ 7, 23/11/2024, 16:33[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Nâng cao hiệu quả triển khai phân loại rác thải tại nguồn

Thứ 4, 31/07/2024 | 17:59:53
2,711 lượt xem
Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Rác thải hữu cơ được người dân xã An Quý bỏ vào hố rác phân hủy làm phân bón cho cây trồng.

Tại xã An Quý, sau gần 2 năm khi triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã giúp thay đổi thói quen của người dân, góp phần xây dựng môi trường thôn xóm xanh, sạch, đẹp. 

Bà Phạm Thị The, xã An Quý cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng như các hộ khác trên địa bàn không thực hiện việc phân loại rác. Tất cả đều được để trong một thùng nhưng từ khi xã phát động thực hiện mô hình phân loại rác, nhân dân đều đồng tình ủng hộ, tự giác phân loại các chất thải. Nhà tôi có 2 thùng đựng rác: hữu cơ và vô cơ; rác hữu cơ sẽ được đưa vào hố tiêu hủy ngay tại vườn làm phân bón cho cây trồng, 1 thùng để rác hữu cơ như sành, gạch, củi. Chỉ mất thêm một chút công sức ngay tại nhà nhưng đổi lại lượng rác chôn lấp tại bãi rác của xã giảm rất nhiều, đường thôn ngõ xóm sạch đẹp hơn. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Quý Tô Thị Tuyết cho biết: Lượng rác thải trên địa bàn xã phát sinh ngày càng nhiều và chưa được phân loại làm ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, để công tác xử lý rác thải của xã đi vào ổn định, cảnh quan môi trường được bảo đảm và để biến rác thành tài nguyên có thể sử dụng được, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, tháng 10/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã ra mắt mô hình điểm phân loại rác thải tại nguồn gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng, góp phần giảm tải cho người lao động thực hiện thu gom rác về nơi tập kết rác thải sinh hoạt của xã rất nhiều. 

Mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ khoảng trên 100 tấn. Để hạn chế áp lực cho các điểm xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cũng như tận dụng những giá trị mà rác thải có tính chất hữu cơ mang lại, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phận loại rác tại nguồn, phù hợp tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý và bảo vệ môi trường ngay từ đầu năm. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm cụ thể đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường, lấy kết quả quản lý và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá thi đua. Địa phương coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là giải pháp căn bản để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

 Rác thải hữu cơ được ủ thành phân bón tại Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ). 

Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ cho biết: Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhân dân trong huyện đồng tình ủng hộ. Ý thức của người dân về phân loại chất thải có chuyển biến rõ rệt. Việc phân loại chất thải từng bước đi vào nền nếp, nhất là tại các xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác thu gom chất thải vô cơ từ các hộ sau phân loại chuyển tới điểm trung chuyển được các tổ dịch vụ môi trường và các tổ thu gom thực hiện tốt. Việc xử lý rác hữu cơ tại các xã, thị trấn cơ bản bảo đảm. Qua đó đã giảm thiểu lượng rác phải thu gom xử lý, giảm chi phí góp phần giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm cục bộ từ các bãi chôn lấp rác tập trung. Lượng mùn hữu cơ sau khi ủ cơ bản được tái sử dụng để cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây trồng…

Cũng theo ông Phạm Hồng Vương, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng, quy hoạch xử lý chất thải rắn sinh hoạt là cần thiết nhằm đáp ứng lượng rác thải đang tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, việc xử lý rác là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không riêng các khu xử lý chất thải. Chính vì vậy, mỗi người dân cần chung tay bảo vệ môi trường, bắt đầu từ bước hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn.

Minh Nguyệt