Thứ 6, 02/08/2024, 11:14[GMT+7]

Cùng nông dân bảo vệ môi trường

Thứ 6, 02/08/2024 | 08:46:02
304 lượt xem
Thời gian qua, các cấp hội nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT); đồng thời, triển khai nhiều mô hình hiệu quả góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Hội viên nông dân xã Liên Giang (Đông Hưng) tham gia vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Các cấp hội thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức BVMT, thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều sáng kiến, cách làm hiệu quả thu hút hội viên tham gia như: xây dựng, nhân rộng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, “Vườn kiểu mẫu”, “Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng”, “Đường hoa nông thôn”. Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức thành viên của MTTQ tích cực hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”. 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã xây dựng được 468 mô hình BVMT; vận động hơn 46.900 hộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Hội đã bàn giao 9 máy băm phụ phẩm nông nghiệp, 15 thùng đựng rác cho hội viên, nông dân với tổng trị giá trên 73 triệu đồng..., giúp các hộ chuyển đổi thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. 

Là hộ nuôi bò, mỗi khi mùa đông đến, chị Vũ Thị Phượng, xã Minh Tân (Kiến Xương) lại loay hoay tìm nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình. 

“Từ khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi do hội nông dân tổ chức, tôi đã biết phương pháp dùng thân cây ngô để ủ làm thức ăn cho bò. Thức ăn thô xanh có thể bảo quản được 6 tháng nên không còn phải lo thiếu thức ăn cho đàn vật nuôi vào mùa đông và đàn bò của gia đình cũng béo hơn rất nhiều” - chị Phượng chia sẻ. 

Với ông Đặng Văn Đính, xã Bình Định (Kiến Xương), sau khi tham gia tập huấn, ông đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót sinh học để giải quyết bài toán khó về môi trường của gia đình lâu nay. 

Ông Đính cho biết: Trước đây, đàn gà ri lai đẻ trứng của tôi thường xuyên bị mắc bệnh, vấn đề vệ sinh chuồng nuôi không được bảo đảm. Từ khi được hội nông dân hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật và được thực hành ngay tại lớp tập huấn nên việc triển khai mô hình tại nhà rất dễ dàng. Nếu trước đây tôi phải dọn chuồng hàng tháng thì bây giờ tôi chỉ cần dọn 1 lần/ năm mà vẫn không có mùi hôi. Chi phí đầu tư làm nền đệm lót sinh học cũng khá thấp. Nhờ đó, hiện tại gia đình tôi có thể duy trì nuôi trên 1.200 con gà đẻ. Đàn gà có sức đề kháng tốt hơn, phát triển tốt, cho thu 700 quả trứng/ngày, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ năm. 

Mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học của ông Đặng Văn Đính, xã Bình Định (Kiến Xương) bảo đảm vệ sinh môi trường và cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Nguyễn Tiến Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định cho biết: Phát huy vai trò của nông dân trong BVMT, Hội Nông dân xã đã kết hợp tổ chức 6 buổi tập huấn chuyển giao KHKT về canh tác lúa thân thiện với môi trường và xử lý rác thải trong trồng trọt và chăn nuôi, cách ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Chúng tôi cũng đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Cùng với đó, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo mỗi chi hội đảm nhiệm một đoạn đường để trồng hoa, cây xanh dài 4,5km. Đặc biệt, năm 2023, Hội Nông dân xã đã xây dựng thành công tuyến đường kiểu mẫu với hơn 300 cây cau, 62 chậu hoa giấy bằng nguồn xã hội hóa là 30 triệu đồng. Đến nay, hoa và cây phát triển tốt tạo nên diện mạo mới cho làng quê. 

Ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm: Với những cách làm hiệu quả, phong trào nông dân tham gia BVMT đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức, hành vi của nông dân từ thói quen sinh hoạt đến hoạt động sản xuất. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động BVMT; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình BVMT, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. 


Nguyễn Triệu