Thứ 7, 23/11/2024, 16:34[GMT+7]

Nhọc nhằn thu gom rác thải

Thứ 4, 07/08/2024 | 08:18:04
3,767 lượt xem
Không kể nắng mưa, không có ngày nghỉ, những người làm công việc thu gom rác thải cần mẫn ngày đêm, không quản nhọc nhằn, vất vả làm sạch từng nẻo đường, góc phố

Thu gom rác thải sinh hoạt khu vực phường Quang Trung (thành phố Thái Bình).

13 giờ, trong thời tiết nắng mưa bất chợt của mùa hè, bà Nguyễn Thị Lương, tổ thu gom rác thải thôn Xuân Lôi, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) lại gò lưng đẩy chiếc xe ba gác đi thu gom rác thải sinh hoạt của hơn 200 hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn. Đồ bảo hộ lao động của bà không có gì ngoài bộ quần áo đồng phục sờn cũ được cấp phát đã vài năm, chiếc nón lá, đôi ủng và đôi găng tay cao su tự chuẩn bị. Vừa nhanh tay xếp những bọc rác lớn bé vào xe, tranh thủ phân loại những vỏ bia, chai lọ nhựa trong các bọc rác thải vào chiếc bao treo trên xe để bán phế liệu, bà Lương bộc bạch với chúng tôi: Tôi làm công việc này 18 năm rồi, trước đây không có khu công nghiệp, lại chẳng có việc làm lúc nông nhàn mà mỗi thôn cần 1 người thu gom rác nên tôi xin làm. Cứ 13 giờ là tôi đẩy xe đi thu gom rác, xong việc lúc 19 giờ. Cuối tuần hay ngày lễ, tết lượng rác thải nhiều về đến nhà đã là 22 giờ, thậm chí có những ngày đến tận đêm khuya, trung bình mỗi ngày 3 xe đầy rác. Công việc nặng nhọc, vất vả lắm, lại còn độc hại, ô nhiễm nữa, không ai muốn làm cả. Tôi 63 tuổi rồi nên cố gắng làm đến khi nào không đủ sức khỏe nữa thì thôi. 

Nói những lời này, bà Lương rơm rớm nước mắt. Rồi bà tháo găng tay cho tôi xem vết thương trên bàn tay phải chưa kịp lành do xe rác trượt vào lúc rạng sáng. Bà cho biết: Đúng 4 giờ sáng xe ô tô chuyên chở đến bãi tập kết, tôi đã có mặt để đổ rác vào thùng chứa rác của xe. Trời mưa to không may xe trượt vào tay, tôi tưởng mất bàn tay vì đau đến thấu xương, công việc nguy hiểm, rủi ro như này mà không có bất kỳ chế độ bảo hiểm nào. Hôm nào đau quá không đi được tôi nhờ chồng đi làm thay vì nghỉ một buổi là công việc ngày hôm sau nhiều hơn gấp 3, 4 lần, trời mưa xuống, nắng lên rác bốc mùi hôi thối, ruồi bọ nhiều, người dân lại kêu ô nhiễm. 

Giống như bà Lương, các thành viên tổ thu gom rác thải khu vực phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) vẫn cần mẫn với công việc bất kể nắng mưa. Lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ bừng vì nắng gắt, bà Tô Thị Kim Chung chia sẻ: Phường Quang Trung là phường đông dân cư, tập trung nhiều trường học, khu nhà ở sinh viên, chợ nên lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Chỉ riêng tổ thu gom rác thải tôi làm có 5 thành viên mà công việc nhiều làm không xuể, chỉ kịp uống ngụm nước rồi làm tiếp cho kịp giờ xe chở rác đến mang đi. Công việc thu gom rác thải vất vả nhất là vào mùa đông giá rét, sau mỗi trận mưa bão và mỗi dịp lễ, tết bởi lượng rác gấp nhiều lần ngày thường, người dân dọn dẹp nhà cửa, rác thải cồng kềnh. Những ngày như vậy chúng tôi phải tăng ca, làm ngày làm đêm để đường phố sạch sẽ. Mỗi xe gom rác chứa 300kg, phải đẩy vào từng ngõ ngách rồi lại đẩy về khu tập kết, trung bình công nhân thu gom rác phải đẩy xe hơn 10km mỗi ngày, ai nấy lưng áo ướt đẫm mồ hôi. 

Vất vả, cực nhọc song những người như bà Chung luôn trân trọng công việc này bởi nó đã giúp gia đình bà có thu nhập để lo cho cuộc sống. Bà tâm sự: Cả tôi và chồng đều làm công việc thu gom rác thải, tôi làm ở khu vực phường Quang Trung, còn chồng thu gom ở khu vực phường Trần Hưng Đạo. Công việc nặng nhọc, thường xuyên phải hít mùi hôi thối của rác nên không tránh khỏi việc mắc các bệnh về đường hô hấp, dù thu nhập thấp (mỗi ngày được trả 140.000 đồng) nhưng công việc này giúp vợ chồng tôi lo cho 3 con ăn học. Tôi chỉ mong chính quyền các cấp và công ty quan tâm để thu nhập của những người làm công việc thu gom rác thải như chúng tôi được trả xứng đáng, được đóng bảo hiểm xã hội, có thẻ bảo hiểm y tế để yên tâm gắn bó với công việc. 

Mong muốn của bà Lương, bà Chung cũng là nỗi niềm chung của đa số những người đang ngày đêm giữ cho đường phố, ngõ xóm sạch đẹp. Với thu nhập bình quân từ 4,2 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng, hơn ai hết, họ mong muốn có mức thu nhập xứng đáng để cải thiện đời sống, được hỗ trợ bảo hiểm y tế để yên tâm làm việc. Vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng họ vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Để những người làm công việc thu gom rác thải bớt đi phần nào vất vả, nhọc nhằn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn để việc thu gom rác thải đỡ vất vả hơn. 

Bà Nguyễn Thị Lương, tổ thu gom rác thải thôn Xuân Lôi, xã Phú Xuân (Thành phố Thái Bình) cần mẫn với công việc không có ngày nghỉ. 

Hà Tuyết